Sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng trên các trẻ có tình trạng thừa cân. Ảnh: Quang Trường. |
Bé H.H.K. (11 tuổi, trú tại phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cao liên tục, mệt nhiều từ ngày 10/8. Em được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị sau khi uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Ngày 14/8, tình trạng bé K. diễn biến nặng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4 kèm rối loạn đông máu, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, thừa cân.
Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh diễn biến nặng, bé K. qua đời lúc 13h30 ngày 15/8 với chẩn đoán do suy đa tạng nặng.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên không qua khỏi vì sốt xuất huyết, CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột triển khai các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra vector truyền bệnh.
Kết quả điều tra vector truyền bệnh sốt xuất huyết ghi nhận sự hiện diện của muỗi Aedes Aegypti. CDC cùng Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột và Trạm Y tế phường Thành Công đã tiến hành phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực ghi nhận ca bệnh; đồng thời truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 15/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp không qua khỏi
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Hầu hết bệnh nhi bị sốc và tái sốc.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh hiện nay nhiều dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp như sởi, bạch hầu, sốt xuất huyết… Người dân cần chú ý phòng bệnh cho con, nhất là đối với các bé suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền, có thể trạng thừa cân, béo phì… do những nhóm trẻ này rất dễ trở nặng khi mắc bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành.
Bệnh nhân cần vào viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít… để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.