Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi, người dân tộc Nùng, ở Cao Bằng) mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân rất nặng đã được ra viện sau 10 ngày điều trị.
Trước đó, bé được đưa vào viện khám trong tình trạng bong tróc, chảy mủ trên da, toàn thân. Bé bị bạn bè, hàng xóm gọi là "người cóc" do toàn thân bong tróc. Thuyên có tiền sử bị bệnh từ hai tháng tuổi với nhiều bất thường trên da, bong vảy ở da đầu, thân mình.
Khi vào viện, bé Thuyên trong tình trạng rất nặng. Ảnh: HH. |
Gia đình của bé Thuyên đặc biệt khó khăn khi bà nội 90 tuổi bị mù, bố bị thiểu năng trí tuệ, một mình mẹ phải lo liệu cho cả 5-6 người trong nhà. Vì thế, từ 2 tháng tuổi, dù bé Thuyên có biểu hiện bệnh, gia đình cũng chỉ nghe mọi người mách lên rừng nhặt các loại lá về tắm cho bé khiến tình trạng tồi tệ hơn. Khi tròn một tuổi, bé được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến tại Bệnh viện đa khoa Cao Bằng, nhưng gia đình không có điều kiện để tiếp tục điều trị.
Trước hoàn cảnh khó khăn và tình trạng nặng của bé Thuyên, ngày 16/10, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ đưa bé tới khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Qua thăm khám, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc bệnh viện, nhận thấy bệnh nhi có tổn thương cơ bản là các dát đỏ bong vảy trắng dày, dễ bóc ở tay chân, thân mình, tập trung chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hai bên. Mụn mủ nông, tập trung rải rác thành đám ở đầu gối, cẳng tay, bụng. Bệnh nhi hơi sốt nhẹ, nhưng tỉnh táo, ngứa nhiều. Móng tay vàng và có dấu hiệu bị mủn. Bé được nhập viện điều trị.
Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bé Thuyên đã ổn định. Ảnh: N.H. |
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi này, ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em của bệnh viện - cho biết bé Thuyên được làm các xét nghiệm cơ bản, sinh thiết khẳng định chẩn đoán vảy nến thể mủ toàn thân.
Sau 10 ngày điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm, hiện tại tình trạng bệnh của bé đã ổn định, có thể xuất viện.
Đây là trường hợp bệnh nhi rất nặng và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên đã được bệnh viện miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, suất ăn hàng ngày cấp phát thuốc miễn phí khi ra viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện và các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho bệnh nhân hơn 50 triệu đồng.
Theo PGS Doanh, vảy nến là một bệnh mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt, chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể kiểm soát tốt bệnh. Bệnh nhân cần chú ý không tự điều trị nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, cần khám và theo dõi định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
Nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến tình trạng tăng nặng. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Với vảy nến thể mủ, thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống. Thực tế, nhiều người đã giảm triệu chứng ngay khi sử dụng, nhưng khi tái phát bệnh rất nặng. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, PGS Doanh và đồng nghiệp từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, đắp lá hoặc dùng thuốc nam, thuốc bắc khiến bệnh trầm trọng thêm.
Khám miễn phí cho bệnh nhân vảy nến
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh.
Hưởng ứng ngày Vảy nến thế giới (29/10), Bệnh viện Da liễu Trung ương đang tiến hành khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân mắc vảy nến từ ngày 22-31/10.
Thời gian khám vào buổi sáng, từ 8h-12h tại Phòng khám số 1 - Tầng 6 - Nhà Điều hành - Bệnh viện Da liễu Trung ương (15A - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội).