Nếu ai có dịp tới thăm Melbourne vào tháng 3 sẽ may mắn được tận hưởng một trải nghiệm tuyệt vời, đặc biệt đối với người đam mê tốc độ - giải đua Công thức 1 hàng năm được tổ chức tại đây.
Người Australia đi xem giải đua Công thức 1. Ảnh: |
Thông thường, mỗi mùa giải trong năm diễn ra 20 chặng đua; năm nay, họ cộng thêm 1 chặng thành 21. Melbourne là thành phố vinh dự tổ chức chặng đua đầu tiên, mở đầu cho mùa giải tất bật của các tay đua và các hãng xe tham gia F1.
Là một sinh viên quốc tế đang theo học tại thành phố đa sắc tộc này, thực sự tôi quá may mắn khi có điều kiện tới xem giải đấu; sẵn sàng bỏ một buổi học, dành trọn ngày lang thang trong trường đua Albert Park.
Những gì trước kia chỉ thấy trong chương trình thể thao tivi nay hiện ra trước mặt, cực kỳ phấn khích với tiếng động cơ xe đanh thép, tiếng vèo vèo trực thăng bay kín trên đầu. Thỉnh thoảng lại có chiếc phản lực dùng trong chiến đấu bay sát mặt đất nhưng gầm xé bầu trời khiến tim người muốn rụng.
Formula One - F1, hay Công thức 1 được hiểu ra sao? Một số bình luận viên thể thao thường nói: Đó là giải đua quy tập kiểu xe ôtô thiết kế theo những công thức tối ưu nhất. Điều này có thể đúng nhưng có vẻ như chưa đủ. Công thức ở đây nên hiểu là một Nhóm các quy tắc quy định cho một giải đua, F1 có nghĩa là nhóm quy tắc số 1. Nó phân biệt với các nhóm quy tắc khác như F2, F3 hay GP2, GP3 (GP là Grand Prix, tên gọi truyền thống của giải đua này). Tuy vậy, hai định nghĩa về F1 ở trên có thể đồng nhất với nhau khi cho rằng: Nhóm quy tắc số 1 bao gồm những quy định khắt khe nhất, an toàn nhất để xe chạy nhanh nhất. Vì thế, mọi công thức thiết kế ra xe loại này là những Công thức tối ưu, hay Công thức số 1. Người lái xe cũng phải đạt tới trình độ cao nhất trong đua xe ôtô nếu muốn tham gia giải đấu, bằng không họ chỉ được điều khiển những xe chất lượng thấp hơn và đua ở những giải bậc dưới (Formula Two - F2 như đã nói ở trên chẳng hạn). Đến trường đua, nếu chỉ ngắm những chiếc xe lao vun vút cho vui mắt mà không hiểu chút gì về nó, về người lái nó và người làm ra nó, sẽ thật uổng công và phí tiền vào cửa.
Tiêu chuẩn kỹ thuật của xe F1 thay đổi theo thời gian, được ban hành và kiểm soát bởi Liên đoàn Ôtô Quốc tế - Federation Intenational of Automobile (FIA). Quy định sơ bộ cho chiếc xe và giải đua Công thức 1 những năm gần đây có thể được mô tả như sau:
Về khối lượng và kích thước: Tổng trọng lượng xe khoảng 700kg, bao gồm cả người lái nhưng không gồm nhiên liệu (nhẹ hơn một chiếc xe Matiz thì phải). Chiều dài dao động 5-5,2m, chiều rộng khoảng 1,8m; dài rộng tương đương xe bình thường nhưng chiều cao rất khiêm tốn, chỉ dưới 1m. Chả thế mà người lái như nằm sát xuống đường, đầu khéo chỉ cao hơn đường đua nửa mét.
Về máy móc: Động cơ sử dụng trên xe Công thức 1 là dạng tua-bin V6 dung tích 1.600cc, vòng quay không lớn hơn 15.000 vòng/phút. Nghe nói động cơ loại này ngày trước bị cấm sử dụng bởi chạy quá nhanh và nguy hiểm; nhưng từ 2009 được sử dụng lại bởi nhiều cải tiến kỹ thuật về an toàn được bổ sung. Mức tiêu thụ nhiên liệu 75 lít/100km, gấp 10 lần xe con thông thường có cùng dung tích xy-lanh. Bình xăng chứa tối đa 150 lít, bởi thế trong cuộc đua xe phải dừng tại các trạm để nạp nhiên liệu định kỳ. Luận ra một điều thú vị là chả tội gì người ta đổ đầy xăng ngay từ khi xuất phát; bởi hơn 150kg nhiên liệu (tương đương 150 lít) là một khối lượng rất nặng khi so sánh với tổng trọng lượng xe, điều này ảnh hưởng đáng kể tới vận tốc xe chạy. Họ sẽ dừng xe và nạp nhiên liệu với lượng vừa đủ mỗi khi vào trạm thay bánh. Nhiên liệu cho F1 là một loại xăng đặc biệt, đậm đặc hơn xăng thường, có trọng lượng riêng nặng hơn nước. Với tỷ trọng này, khi lỡ bốc cháy trên đường đua, người ta dễ dàng dập lửa chỉ bằng những bình chữa cháy cầm tay.
Bình chữa cháy nhỏ nằm trong những chiếc xe đua. Ảnh: Trương Quang Hưng. |
Tận mắt nhìn vào bên trong khoang lái của xe, mình thấy một bình cứu hỏa nhỏ đặt cạnh chân tài xế, giống hệt quy định phải có bình chữa cháy trên xe hơi Việt Nam lúc này. Từ ngày xưa xe F1 đã thế, lái xe phải tự cứu mình và cứu xe trên đường đua khi gặp nạn trước khi lực lượng hỗ trợ kịp chạy tới.
Vận tốc của xe thì sao? Để có thể tham gia thi đấu F1, xe phải đảm bảo đạt tốc độ tối thiểu 350km/h. Thực tế đã ghi nhận trong một giải đua chính thức, vận tốc trên đường thẳng đã chạm con số xấp xỉ 370km/h. Ngoài ra, theo công bố của một hãng xe khi thử nghiệm, vận tốc đã đạt trên 410km/h, nhưng giá trị này chỉ mang tính tham khảo vì nó không xảy ra trong một giải đua nào. Trên đường đua Albert Park dài 5,3km tại Melbourne, với vận tốc trung bình trên 250km/h, xe mất khoảng 1 phút 10 giây cho mỗi vòng đua. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, xe Công thức 1 kết thúc chặng đua sau 58 vòng và tổng 308km chiều dài đường đua.
Khí động học là đặc điểm quan trọng bậc nhất của xe, được cải tiến rất nhiều và thay đổi phù hợp với địa hình đường đua cụ thể. Cánh gió đầu xe, đuôi xe và dọc thân xe có tác dụng ép chặt xe xuống mặt đường. Càng chạy nhanh lực ép này càng lớn, bởi thế xe bám đường và hạn chế bị văng mỗi khi vào khúc cua. Lấy ví dụ, khi chạy với tốc độ 200km/h, lực ép này lớn gấp 3-4 lần trọng lực của xe; từ đó tạo nên ma sát giữa lốp và mặt đường lớn giúp xe thắng được lực đẩy ngang khi vào đường cong. Bởi thế, nếu chú ý kỹ sẽ thấy: Đường đua không cần thiết bố trí siêu cao, chỉ cần đủ dốc thoát nước ngang là được. Khi không đua, Albert Park là một công viên trong thành phố, đường đua lượn quanh một hồ nước có cảnh quan rất đẹp; xe cộ và người đi bộ ngắm cảnh bình thường, đủ để thấy đường đua F1 không cần thiết kế quá đặc biệt. Khác biệt duy nhất để xe F1 có thể băng băng trên những tuyến đường thông thường như vậy nằm hoàn toàn vào cấu tạo khí động học của xe mà thôi.
Nhắc đến trường đua công viên Albert, một điều thú vị và khác biệt so với các đường đua khác khi ở Australia người ta chạy xe phía bên trái. Tại đây, xe đua xuôi chiều kim đồng hồ chứ không chạy ngược như những trường đua khác. Vì vậy, các tấm đệm phân bố trọng lượng trên thân xe được bố trí khác biệt để phù hợp với lực ly tâm khi xe vào cua.
Tham gia đua Công thức 1 để ghi danh 2 giải, một cho đội đua và một cho tài xế. Điều này khác biệt so với Giải đua ôtô Thế giới khi chỉ tôn vinh các tay đua thắng cuộc. Thứ nhất, lái xe là nhân tố quan trọng, tiên quyết của Công thức 1. Họ không chỉ có tố chất bẩm sinh về tốc độ. Họ phải luyện tập để thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt trên đường đua. Khoang lái của xe là khoang mở, lái xe tiếp xúc trực tiếp với khí quyển và môi trường ngoài. Khi chạy ở tốc độ cao, 200-300km/h, việc thở trở nên không dễ dàng bởi lực ép đè lên ngực cũng như trạng thái iếm khí do áp suất giảm suốt vài tiếng đồng hồ.
Họ còn phải đội chiếc mũ bảo hiểm nặng tới 5kg, gấp 5 lần trọng lượng mũ xe máy người Việt Nam đang dùng. Khi xe chạy nhanh, lực văng của mũ lớn gấp 4-5 lần trọng lượng mũ; tức là đầu họ lúc nào cũng chịu lực kéo và lắc 20-25kg về các hướng khác nhau. Bởi vậy, các tay đua khỏe nhất ở cái gì, không phải ở chân tay mà là ở cổ.
Những chiếc xe liên tục cải tiến, nhưng chúng phải đáp ứng yêu cầu của nhà tổ chức. Ảnh: Trương Quang Hưng. |
Thứ hai, tài chính của hãng xe và sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn đội đua góp phần không nhỏ vào chiến thắng. Công tác thay bánh, tiếp nhiên liệu trong chặng đua của tốp thợ và sự chỉ đạo qua điện đàm của nhóm chuyên gia là những gì chúng ta vẫn thường thấy trên tivi. Đằng sau đó còn là những quy trình cải tiến công nghệ của hãng xe để phù hợp với sự thay đổi liên tục do FIA đưa ra, cũng như nguồn tài trợ rất lớn cho những thử nghiệm, nâng cấp máy móc. Lấy ví dụ: trong chiến thuật đua, tính toán sử dụng số lượng động cơ ra sao của các kỹ sư cho từng chặng là điều cần cân nhắc khi FIA quy định không được thay động cơ cho mỗi xe sau 2 chặng đua liên tiếp (quy định cũ), hay mỗi tay đua không được sử dụng quá 8 động cơ trong một năm của mùa giải (quy định mới).
Chặng đua mở đầu mùa giải Grand Prix tại Melbourne diễn ra trong 4 ngày, từ thứ 5 tới Chủ nhật trong tháng 3 này. Giá vé vào cửa tăng dần lần lượt theo các ngày, dao động từ vài chục tới cả nghìn USD, nó phụ thuộc vào chỗ ngồi và vị trí khán đài theo dõi. Chi phí có thể đắt đỏ nhưng tận mắt nhìn thấy những chiếc xe lao vun vút, nghe tiếng động cơ gầm rú như máy bay phản lực là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Bởi vậy, bỏ lỡ cơ hội đi xem đua xe Công thức 1 là một điều đáng tiếc nếu bạn có dịp đặt chân tới Australia trong thời gian này.