Biển người đồng thanh, những người đàn ông gần như khỏa thân chen lấn, đẩy nhau về phía ngôi đền. Họ cùng hô vang “Washoi! Washoi!” - nghĩa là đi thôi, đi thôi.
Đó là khung cảnh lặp đi lặp lại trong suốt 1.250 năm qua, khi Hadaka Matsuri, hay Lễ hội khỏa thân, diễn ra tại đền Konomiya, miền Trung Nhật Bản, theo BBC.
Nhưng năm nay có một sự thay đổi - một sự thay đổi lớn.
Một nhóm phụ nữ lần đầu tiên được tham gia lễ hội.
Làm nên lịch sử
Những phụ nữ xuất hiện ở đây biết rằng họ đang làm nên lịch sử. Tìm chỗ đứng trong những không gian truyền thống do nam giới thống lĩnh là điều khó khăn ở bất cứ đâu, nhưng ở Nhật Bản - quốc gia năm ngoái xếp hạng 125/146 về chỉ số khoảng cách giới tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - điều đó còn khó khăn hơn nhiều.
Không hẳn là phụ nữ không có ở đó trong suốt chiều dài lịch sử.
Atsuko Tamakoshi, người có gia đình đã làm việc tại lễ hội ở đền Konomiya qua nhiều thế hệ, giải thích: “Ở hậu trường, phụ nữ vẫn luôn làm việc rất chăm chỉ để hỗ trợ đàn ông trong lễ hội”.
Cô Atsuko Tamakoshi - một trong những phụ nữ lần đầu tiên tham gia lễ hội Hadaka Matsuri, hay Lễ hội khỏa thân, tại đền Konomiya ở thị trấn Inazawa. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, ý tưởng thực sự tham gia vào lễ hội - nơi những người đàn ông tìm cách xua đuổi tà ma và nguyện cầu hạnh phúc tại đền thờ - dường như chưa bao giờ xuất hiện trước đây.
Theo ông Naruhito Tsunoda, một đạo sĩ tại ngôi đền, chưa bao giờ có lệnh cấm phụ nữ tham gia lễ hội, chỉ là chưa có ai từng hỏi. Và khi một nhóm phụ nữ vào năm ngoái hỏi rằng liệu họ có thể tham gia hay không, câu trả lời đơn giản là “có”, vị đạo sĩ cho hay.
“Tôi tin điều quan trọng nhất là có một lễ hội vui vẻ cho mọi người. Tôi nghĩ đó cũng là điều khiến thần linh hạnh phúc nhất”, vị đạo sĩ khẳng định.
Tuy nhiên, không phải ai trong cộng đồng cũng đồng tình.
“Có nhiều tiếng nói lo ngại (về việc chúng tôi tham gia lễ hội) - họ nói rằng ‘Phụ nữ làm gì trong lễ hội của nam giới?', 'Đây là lễ hội của nam giới, nghiêm túc đấy'", bà Tamakoshi, 56 tuổi, nói với BBC.
“Nhưng chúng tôi đều đồng lòng trong quyết định này. Chúng tôi tin rằng thần linh sẽ chứng giám lòng thành của chúng tôi”, bà chia sẻ.
Nhiều phụ nữ tham gia lễ hội mặc "Áo choàng Happi" (áo choàng dài đến hông) màu xanh và quần ngắn vốn thường được mặc trong các lễ hội Nhật Bản, trong khi nam giới chỉ mặc khố tương tự trang phục của các đô vật sumo.
Phụ nữ tham gia lễ hội mặc "Áo choàng Happi" màu xanh và quần ngắn màu trắng. Ảnh: Reprodução. |
Tuy nhiên, những người phụ nữ không tham gia sự kiện chính - nghi thức cao trào momiai của lễ hội.
Trong nghi lễ momiai, đàn ông chỉ mặc fundoshi, loại khố truyền thống, đi tất tabi và quấn khăn hachimaki. Họ chen lấn, cố chuyển vận xui của mình sang "người được chọn" - được gọi là Shin Otoko - bằng cách chạm vào người anh ta trước khi người này rút về nơi an toàn trong đền.
Ông Tsunoda cho biết sẽ rất khó để mở rộng phần lễ hội đó cho phụ nữ do khía cạnh thể chất.
Đa số "lễ hội khỏa thân" đầu năm mới ở Nhật Bản vẫn chỉ cho phép nam giới tham gia. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Tuy nhiên, điều đó cũng không làm suy suyển ý nghĩa của cột mốc này.
“Tôi cảm thấy thời thế cuối cùng đã thay đổi”, cô Yumiko Fujie nói với BBC. “Nhưng tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm”.
Tham gia Hadaka Matsuri, những phụ nữ này không chỉ phá bỏ rào cản giới tính. Họ cũng đang duy trì sức sống cho truyền thống này.
Trong tuần qua, một lễ hội "khỏa thân" khác có tuổi đời hơn 1.000 năm - được tổ chức tại đền Kokuseki ở phía bắc Nhật Bản - đã đánh dấu lần cuối cùng diễn ra. Đơn giản là không có đủ người trẻ để tiếp tục lễ hội.
Ayaka Suzuki, người vận động dỡ bỏ lệnh cấm đối với phụ nữ, cho biết cô đã muốn tham gia lễ hội từ khi còn nhỏ. Cô còn nói thêm rằng cô sẽ tận dụng cơ hội này để cầu nguyện cho sự an toàn của gia đình và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất chết người gần đây trên bán đảo Noto. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất trên Trái Đất. Năm ngoái, lần đầu tiên nước này ghi nhận cứ 10 người thì có hơn một người từ 80 tuổi trở lên. Trong khi đó, tỷ lệ sinh của đất nước Mặt Trời mọc chỉ ở mức 1,3 trên một phụ nữ, với chỉ 800.000 trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái.
Và đã đến lúc các lễ hội truyền thống mở cửa cho phụ nữ. Hồi tháng 1, phụ nữ cũng lần đầu tiên được tham gia lễ hội lửa Katsube ở tỉnh Shiga sau 800 năm chỉ có đàn ông mới được nhảy múa để cầu nguyện cho sức khỏe và mùa vụ tại ngôi đền 1.375 năm tuổi này.
Hạnh phúc
Trong lễ hội Hadaka Matsuri ở đền Konomiya hôm 22/2, những người phụ nữ tham gia sự kiện đứng thành 2 hàng và vác những thanh tre dài quấn ruy băng đỏ và trắng. Đây là nghi lễ dâng tre được cho là để xua đuổi tà ma, theo CNA.
Cô Atsuko Tamakoshi dẫn đầu hàng - thổi còi theo nhịp điệu tụng kinh mà họ từng nghe những người đàn ông hô vang trong nhiều thập kỷ.
“Washoi, Washoi”, những người phụ nữ hô vang.
Tất cả tập trung vào các động tác và nhịp điệu mà họ đã luyện tập trong nhiều tuần.
Biết rằng giới truyền thông và khán giả đang dõi theo mình, họ cũng nở nụ cười với sự hồi hộp và phấn khích.
Có những tiếng cổ vũ từ đám đông theo dõi, một số hét lên “Gambatte” - có nghĩa là "tiếp tục đi!", khi họ thực hiện nghi lễ giữa thời tiết băng giá.
Họ bước vào sân của đền thờ thần đạo Konomiya và giống như những người đàn ông, họ bị tạt nước lạnh. Điều đó dường như tiếp thêm năng lượng cho họ.
Sau khi lễ vật được chấp nhận, những người phụ nữ kết thúc buổi lễ bằng nghi lễ chào truyền thống gồm hai cái cúi đầu, hai cái vỗ tay và một cái cúi đầu cuối cùng.
Và sau đó là khoảnh khắc vỡ òa. Những người phụ nữ reo hò, họ nhảy lên và ôm nhau khóc. “Arigatogozaimasu! Arigato!” - Cảm ơn! Cảm ơn! - Họ nói với nhau và đám đông vỗ tay tán thưởng.
Nụ cười hạnh phúc của những phụ nữ đầu tiên tham gia lễ hội Hadaka Matsuri, hay Lễ hội khỏa thân, tại đền Konomiya ở thị trấn Inazawa. Ảnh: BBC. |
Cô Michiko Ikai nói: “Tôi đã rơi nước mắt. Tôi đã không chắc mình có thể tham gia hay không, nhưng giờ tôi cảm thấy mình đã đạt được một thành tựu”.
Khi đi ra khỏi ngôi đền, những người phụ nữ gặp những người dân muốn chụp ảnh với họ và các cơ quan truyền thông muốn phỏng vấn họ. Họ vui vẻ nhận lời.
"Tôi đã làm được. Tôi rất hạnh phúc”, cô Mineko Akahori nói với BBC. “Tôi thực sự biết ơn vì là một trong những phụ nữ đầu tiên tôi có thể tham gia lễ hội này”.
Một người bạn và cũng là đồng đội của cô, Minako Ando, nói thêm rằng chỉ đơn giản “trở thành người đầu tiên làm được điều gì đó như thế này thật tuyệt vời”.
“Thời thế đang thay đổi”, Hiromo Maeda nói. Gia đình cô vốn điều hành một quán trọ địa phương, nơi tiếp đón nhiều nam giới đến tham dự lễ hội trong 30 năm qua.
“Tôi nghĩ những lời cầu nguyện và mong ước của chúng tôi đều giống nhau. Không quan trọng đó là đàn ông hay phụ nữ. Niềm đam mê của chúng tôi giống nhau”.
Đối với bà Atsuko Tamakoshi, người giữ vai trò quan trọng trong sự kiện, đây khoảnh khắc để suy ngẫm về những gì họ đã cùng nhau đạt được. Bà vừa xúc động vừa nhẹ nhõm.
“Chồng tôi luôn tham gia lễ hội này”, bà nói với BBC. “Và tôi luôn là khán giả. Bây giờ tôi tràn ngập lòng biết ơn và hạnh phúc”.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.