TP.HCM bước vào mùa mưa. Đây cũng là thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi... Theo ghi nhận của Tri thức - Znews, hơn 10h sáng 13/6, khu vực khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn rất đông bệnh nhi và thân nhân chờ khám, ngồi kín các hàng ghế chờ. |
Bé Sunny (7 tháng tuổi) ngủ thiếp trong vòng tay mẹ trong khi chờ làm siêu âm. "Con sốt được 2 hôm, tôi đã đưa bé đi khám ở bệnh viện tỉnh nhưng vẫn li bì suốt đêm. Tôi nghe nói đợt này dịch sởi, tay chân miệng đang tăng mạnh, bé lại chưa đủ tháng tiêm vaccine nên dù con không có nổi ban bất thường, vợ chồng vẫn quyết định đưa bé xuống TP.HCM kiểm tra cho an tâm", chị Ngọc (quê Đồng Nai, mẹ bé Sunny) chia sẻ. |
Dự phòng khả năng dịch sởi tăng mạnh trong năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã sớm bố trí phòng cách ly cho các bệnh nhi mắc sởi. Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm và Thần kinh, cho hay trong tuần qua, khoa tiếp nhận 5 bệnh nhi được chẩn đoán sởi. Hiện tại, 3 bệnh nhi vẫn còn nằm điều trị tại đây. |
Bé Minh Phụng (5 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhắm nghiền đôi mắt dính lem nhem dịch tiết, li bì. Cô bé được xác định mắc sởi một ngày trước, khi có dấu hiệu phát ban toàn thân, mắt kèm nhèm. Ngồi nhìn con, chị Bảo Trân, mẹ bé Phụng, hối hận khi không cho con gái tiêm phòng sởi sớm hơn. "Ngày còn nhỏ, con bé hay sốt từ ngày này qua tháng nọ nên không đủ điều kiện tiêm vaccine. Dần dần, tôi cũng quên mất phải tiêm phòng cho con", chị Trân chia sẻ. |
Phía bên kia phòng là Anh Minh, bạn học cùng lớp của bé Minh Phụng, nhập viện cùng ngày với cô bé. Cũng như bé Phụng, bé Minh đã có triệu chứng ho, sốt từ một tuần trước nhưng khi đi khám tại phòng khám tư, bé chỉ được chẩn đoán là viêm họng vì không xuất hiện phát ban. Phải đến khi nổi ban bất thường, trẻ mới được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra và được chẩn đoán mắc sởi. Trước đó, bé Minh mới chỉ tiêm một mũi vaccine phòng bệnh sởi. |
Một bệnh nhi vừa được chuyển vào khoa Nhiễm - Thần kinh vì có phát ban nghi sởi. Bác sĩ Quy khuyến cáo nếu có các triệu chứng sốt cao, mắt mũi kèm nhèm, phát ban, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để kiếm tra, sớm phát hiện và điều trị bệnh. Sởi hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng vaccine. |
Đặc trưng dễ thấy nhất của bệnh sởi là những vết ban đỏ lấm tấm trên da. Những vết ban xuất hiện vài ngày sau khi bệnh nhi có hiện tượng sốt cao, mắt mũi kèm nhèm, thường bắt đầu ở vị trí sau tai rồi lan ra cổ, gáy và toàn thân. |
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 16 ca mắc sởi. Số ca mắc tăng nhanh trong 2 tháng gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay có thể bệnh sởi sẽ bước vào mùa cao điểm theo chu kỳ 5 năm/lần. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài cũng khiến việc tiêm phòng bị gián đoạn, tạo ra khoảng trống miễn dịch, nhiều trẻ em không được tiêm đủ mũi và đúng lịch vậy nên độ bao phủ vaccine thấp. |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, cho hay trong tháng này, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận gần 6.000 lượt khám, tăng cao so với khoảng thời gian trước khi nghỉ hè. Rất nhiều trong số đó có các triệu chứng đặc trưng các bệnh truyền nhiễm như sốt phát ban, sốt li bì hay nôn ói... |
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.