Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bên trong tâm trí của những người chồng đánh đập vợ

Nhiều người chấp nhận tư vấn tâm lý vì không muốn ly hôn. Một số kẻ bạo hành có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân thay vì thừa nhận ham muốn kiểm soát đối phương của chính mình.

Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc yêu cầu những người bị cáo buộc lạm dụng phải được "giáo dục pháp luật và điều trị tâm lý". Ảnh: Pai ke.

Từ năm 2013, Gu Xiaoqing làm việc với các cơ quan chính phủ Trung Quốc về các chương trình đào tạo, tư vấn và tiếp cận cộng đồng liên quan đến chống bạo lực gia đình, theo Sixth Tone.

Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, cô chưa bao giờ đích thân gặp kẻ bạo hành, những người thường có xu hướng tránh xa các chương trình này.

"Họ tránh mặt bạn và luôn nói rằng đang bận. Họ đã biết rằng mình sai và nghĩ rằng bạn chỉ gặp để tiếp tục giảng giải điều đó. Không ai thích như vậy", Gu giải thích.

Vào tháng 3, tỉnh Giang Tô đưa ra biện pháp quan trọng về an toàn cá nhân trong các vụ bạo lực gia đình, yêu cầu những người bị cáo buộc lạm dụng phải được "giáo dục pháp luật và điều trị tâm lý".

Hai tháng sau, cũng tại tỉnh này, Tòa án nhân dân quận Thiên Ninh ở thành phố Thường Châu đã ra lệnh can thiệp tâm lý bắt buộc đầu tiên của Trung Quốc để bảo vệ an toàn cá nhân trong phán quyết ly hôn. Kẻ bạo hành phải được tư vấn và điều trị tâm lý thường xuyên trong thời hạn 6 tháng.

Những quy định mới cuối cùng đã cho Gu cơ hội gặp mặt những người đàn ông từng đánh đập vợ mình để tìm hiểu suy nghĩ thực sự cho họ.

"Hôn nhân thất bại, mọi người đều cảm thấy mình mới là người đau khổ"

Người đầu tiên Gu gặp là một thanh niên trông giống như bao nhân viên văn phòng bình thường khác, cho đến khi anh ta bắt đầu nói với đầy vẻ bất bình.

Người này tuyên bố những cuộc tranh cãi với vợ ban đầu chỉ là cãi vã bình thường. Nhưng vì vợ đe dọa cắt giảm tài chính và có lời nói khiêu khích, anh ta nói rằng cuối cùng mình đã mất bình tĩnh và đánh cô, để lại một vết hằn trên cổ vợ.

Vợ anh ngay lập tức chụp ảnh vết thương. Sau đó, cô yêu cầu một lệnh bảo vệ cá nhân trong hồ sơ ly hôn và đề nghị chồng chuyển ra ngoài.

Gu đã vạch ra kế hoạch tư vấn tỉ mỉ: 1 buổi/tuần và tổng cộng 4 buổi. Kế hoạch có thể được điều chỉnh nếu cần thiết. Thách thức chính là luôn phải có được lòng tin từ đối phương.

chong danh dap vo anh 1

Gu Xiaoqing (giữa) và Wang Dongli (trái) trong buổi tư vấn với một người bị cáo buộc bạo hành gia đình. Ảnh: Sixth Tone.

Không giống như nhiều kẻ bạo hành khác, người đàn ông này sẵn sàng nói chuyện. Mức độ bạo lực của anh ta thấp và vụ ly hôn được giải quyết êm đẹp chỉ sau hai phiên tòa. Anh ta cũng không mất kiềm chế sau đó, vì vậy Gu hoàn thành việc tư vấn trước thời hạn.

Theo kinh nghiệm của Gu, các vụ bạo hành thường được phát hiện bởi một thành viên trong gia đình, đôi lúc từ những đứa trẻ tiết lộ mâu thuẫn giữa cha mẹ chúng.

"Ban đầu tôi luôn thắc mắc tại sao người ta có thể bị đánh đến như mà vẫn không báo cảnh sát? Nhưng luôn có một cái cớ cho những người phụ nữ. Họ không muốn gia đình tan vỡ hoặc bị đe dọa", Gu nói.

Hơn 10 năm qua, hàng nghìn người gọi đến đường dây nóng của Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc, nhưng chỉ có khoảng chục trường hợp/năm được coi là đủ nghiêm trọng để can thiệp tư vấn.

Thẩm phán Wang Dongli, người đã giải quyết nhiều vụ ly hôn, cho biết: "Khi hôn nhân thất bại, mọi người đều cảm thấy mình mới là người đau khổ".

Ham muốn quyền lực, quyền kiểm soát

Tư vấn bắt buộc cho những kẻ bạo hành gia đình chỉ mới bắt đầu và còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào, theo Fang Gang, chuyên gia nghiên cứu giới tính, người sáng lập nhóm chống bạo lực gia đình China White Ribbon Volunteer.

Sau khi dự án mở đường dây nóng vào năm 2010, cuộc gọi đầu tiên anh nhận được là từ một kẻ bạo hành, người này tự xưng là công chức ở tỉnh Thiểm Tây. Anh ta tìm kiếm sự giúp đỡ khi vợ muốn ly hôn sau những lần bị bạo hành liên tục.

Tháng 9/2019, nhóm của Fang đã chọn ra 8 người từng bạo hành bạn đời trên khắp Bắc Kinh và tổ chức 30 buổi tư vấn nhóm trong vòng 6 tháng.

8 người này có hoàn cảnh, mức độ bạo lực khác nhau, nhưng bao gồm 2 người tái phạm và nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, lý do để họ đồng ý tư vấn lại đồng nhất một cách đáng ngạc nhiên: Không ai muốn ly hôn.

Fang hướng dẫn những người này chia sẻ và nói chuyện thoải mái về hành vi của cha mẹ và bạn đời. Nhưng khi nói về bản thân, họ trở nên đề phòng, thường né tránh những chi tiết quan trọng.

Fang đặc biệt nhớ đến một người là công nhân khoảng 50 tuổi. Người vợ đầu tiên bỏ anh ta vì bạo lực và người vợ thứ hai cũng muốn ly hôn với lý do tương tự.

Lúc đầu, người này phủ nhận, tuyên bố rằng anh ta chưa bao giờ hành hung, nhưng về sau thừa nhận mình từng đẩy ngã vợ.

Nhóm nghiên cứu đã đưa vợ của người này đến để đối chất và được xem những bức ảnh chụp vết bầm tím trên cơ thể cô. Trong khi nghe cô than thở, người chồng tức giận nói: "Không phải lỗi của tôi. Cô ta ép tôi. Phụ nữ lâu lâu cũng cần được dạy dỗ".

chong danh dap vo anh 2

Một bảng quảng cáo ở Bắc Kinh kêu gọi chấm dứt bạo lực gia đình. Ảnh: AFP.

Fang nói: "Trong những cuộc thảo luận và tranh cãi như vậy, chúng tôi hy vọng họ nhận ra rằng bạo lực xuất phát từ ham muốn quyền lực, sự kiểm soát và học cách tôn trọng bạn đời của mình".

Vào thời điểm kết thúc tư vấn nhóm, người đàn ông đã thay đổi rất nhiều. Anh ta đã ôm vợ để hòa giải, theo Fang.

Ngoài việc giải quyết vấn đề bạo lực, Fang còn giúp họ lần về quá khứ. Nhiều người trong số này từng bị bạo hành, lạm dụng khi còn nhỏ.

Nhưng liệu một vài tháng can thiệp có thể đạt được kết quả lâu dài không? Theo Fang, với những người vi phạm nhẹ, điều đó là hoàn toàn có thể.

"Tuy nhiên, đối với những kẻ bạo hành nghiêm trọng, điều tốt nhất bạn có thể làm chỉ là giảm cường độ và tần suất. Tư vấn lâu hơn cũng không thể giải quyết bạo lực hoàn toàn. Nên nhớ những gì bạn đang cố gắng thay đổi là một người trưởng thành với hàng chục năm cuộc đời. 6 tháng hoặc lâu hơn vẫn là quá ngắn và nguy cơ tái phạm sẽ rất cao. Ở một số quốc gia và khu vực, nơi loại hình tư vấn này phổ biến và được thiết lập tốt, việc tư vấn nhóm thường mất 1-2 năm".

Không phải tất cả những kẻ bạo hành đều là đàn ông, Fang nhấn mạnh. Những kẻ bạo hành là phụ nữ thường có xu hướng gây tổn thương tâm lý, đập phá đồ đạc và đốt quần áo.

"Những gì chúng ta phải làm là trao quyền cho nạn nhân và chối bỏ quyền lực của kẻ bạo hành".

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Fang nhận được cuộc gọi từ một kẻ bạo hành. Khi được hỏi tình hình bạo lực gia đình có cải thiện không, Fang thận trọng: "Về cơ bản nó vẫn như vậy, thậm chí giống như một thế kỷ trước. Mọi người vẫn được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa gia trưởng và nam trị".

Trong khi đó, Wang Dongli, người cùng Gu Xiaoqing đến các buổi tư vấn, ví công việc của mình giống như trồng, chăm sóc cây con.

"Đối với thế hệ của chúng tôi và những người sinh trong những năm 1980-1990, mọi thứ tốt hơn so với 2-3 thập kỷ trước khi nói đến bạo lực trong gia đình. Đó là tiến bộ xã hội và giáo dục.

Đó cũng là lý do chúng tôi nói về gia đình, giáo lý gia đình và các giá trị của gia đình. Khi người lớn không bạo lực trong quan hệ vợ chồng hoặc nuôi dạy con cái, thì con cái của họ khi lớn lên cũng sẽ không bạo lực đối với bạn đời và những đứa trẻ trong tương lai. Đó là một dự án xã hội mang tính thế hệ", Wang chia sẻ.

3 năm chờ đợi công lý cho Goo Hara

Goo Hara qua đời vào năm 2019, nhưng đến năm 2022 tòa án mới tuyên bố Choi Jong Bum, bạn trai cũ đã hành hung, đe dọa Goo, phải chịu trách nhiệm cho cái chết của nữ ca sĩ.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm