Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh bụi phổi là gì?

Ngoài các loại bệnh phổi thông thường, nhiều người còn mắc phải loại bệnh phổi do bụi gây ra.

Những người làm nghề tiếp xúc nhiều khói bụi dễ mắc bệnh bụi phổi. Ảnh: Sebastian Kaulitzki/Science Photo Library.

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh bụi phổi hình thành do bụi tích tụ lâu dài trong phổi, khi người bệnh thường xuyên hít thở không khí ô nhiễm chứa các hạt bụi nhỏ.

Thông thường, nếu bụi có kích thước lớn, chúng sẽ bị giữ lại ở vùng mũi họng và dễ dàng được đào thải ra ngoài qua cơ chế tự nhiên của đường hô hấp. Tuy nhiên, các hạt bụi siêu nhỏ có khả năng đi sâu vào tận phế nang - nơi diễn ra quá trình trao đổi khí của phổi. Khi đó, việc đào thải trở nên khó khăn hơn, bụi tích tụ lâu dần sẽ gây tổn thương mô phổi, dẫn đến bệnh bụi phổi.

Nguyên nhân chính của bệnh bụi phổi là tiếp xúc lâu dài với các loại vật liệu tạo ra bụi mịn có khả năng xâm nhập vào sâu trong phổi. Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường nhiều bụi như ngành khai thác đá, mỏ than, chế biến vật liệu xây dựng, sản xuất thủy tinh hay đồ gốm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Một dạng bệnh bụi phổi phổ biến là bụi phổi silic, thường gặp ở những người làm nghề mài, cắt đá hoặc sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, người nghiện thuốc lá hoặc sống trong môi trường ô nhiễm nặng cũng dễ mắc bệnh do hệ hô hấp bị tổn thương và giảm khả năng tự bảo vệ trước tác nhân gây hại.

Bệnh bụi phổi thường tiến triển chậm và âm thầm, các triệu chứng xuất hiện từ từ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác như lao phổi hoặc ung thư phổi.

Triệu chứng thường gặp:

  • Ho khan kéo dài, đôi khi khạc đờm màu đen do bụi tích tụ trong phổi
  • Khó thở dai dẳng, đặc biệt khi gắng sức
  • Cảm giác tức ngực, mệt mỏi
  • Ho ra máu (trong một số trường hợp nặng)

Nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với bụi mà không có biện pháp bảo vệ, các triệu chứng sẽ ngày càng nặng hơn.

Bệnh bụi phổi rất khó điều trị triệt để do các tổn thương ở phổi là không thể phục hồi. Phương pháp điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng, bao gồm dùng thuốc ho, thuốc long đờm và thở oxy trong trường hợp thiếu oxy. Một số trường hợp có thể áp dụng phương pháp rửa phổi, nhưng kết quả thường hạn chế và chỉ phù hợp với một số dạng bệnh bụi phổi nhất định.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh bụi phổi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp mạn tính, tràn khí màng phổi, thậm chí đe dọa tính mạng.

Vì bệnh bụi phổi không thể điều trị dứt điểm, phòng ngừa là biện pháp quan trọng nhất. Bác sĩ Vinh khuyến cáo những người làm việc trong môi trường nhiều khói bụi cần sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang chuyên dụng và hệ thống thông gió để giảm thiểu nguy cơ hít phải bụi mịn.

Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Việc bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Những điều bạn chưa biết về sữa bò

Sữa bò là một thức uống quen thuộc giàu dinh dưỡng. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết về nó. Cuốn sách của tác giả Joseph Keon sẽ mang đến cho độc giả nhiều thông tin hữu ích liên quan tới sữa bò, để bạn hiểu hơn về thực phẩm bổ dưỡng này.

Cách giảm mỡ máu không cần dùng thuốc

Rối loạn chuyển hóa lipid hay mỡ máu cao, gây tình trạng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim. Khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu.

Đang đo huyết áp, bệnh nhân Đồng Nai đột ngột ngưng tim

Sau 3 phút ngừng tim, nhờ sự nỗ lực cấp cứu của các bác sĩ, trái tim người bệnh đã hồi phục và đập trở lại.

Vui Tết, người bị tiểu đường cần lưu ý 6 điều này

Người bệnh đái tháo đường cần tìm hiểu ảnh hưởng của món ăn trong ngày Tết đến đường huyết, căn chỉnh lượng để giữ chúng ổn định.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm