Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chị Mai (Sơn Tây, Hà Nội) vẫn chưa hết lo khi bác sĩ chỉ định con chị - bé Quỳnh Anh (8 tháng tuổi) nhập viện vì viêm phổi. Trước đó, cháu có biểu hiện sốt nhẹ, bỏ bú song không có dấu hiệu ho nên chị chủ quan điều trị cho con tại nhà bằng cách dán miếng hạ sốt. Sang ngày thứ 3, bé bị sốt cao, khó thở và khóc nhiều, gia đình mới đưa con vào viện trong thời tiết mưa rét. Ngay khi nhập viện, bé Quỳnh Anh được thở oxy gấp. Chị Mai không ngờ con mình lại bị nặng như vậy.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những ngày gần đây, miền Bắc trong đợt rét kỷ lục khiến số lượng bệnh nhi tới khám tăng khoảng 10%, mỗi ngày (cả ngày lẫn đêm) dao động khoảng 300-350 trẻ nhưng đa phần trong tình trạng nặng. Trong đó, có tới 50% bệnh nhi bị viêm phổi. Ngoài ra còn có các bệnh lý về não, viêm màng não, các bệnh mãn tính như suy dinh dưỡng, gầy mòn không chịu được thời tiết giá lạnh, loét dạ dày bị xuất huyết, ung thư máu dẫn tới biến chứng phổi do sức đề kháng vào trời lạnh kém…
Hầu hết các ca bệnh tại Khoa Nhi đợt này là nặng. Ảnh: HQ. |
“Viêm phổi là một bệnh lý nguy hiểm rất dễ gặp ở trẻ đặc biệt vào thời tiết giá lạnh. Bệnh này cần đưa vào viện ngay lập tức, nếu không khả năng tử vong rất cao”, PGS Dũng khuyến cáo.
Theo đó, viêm phổi thường gặp với trẻ em dưới 2 tuổi. Đặc biệt, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, đây có thể là nguyên nhân gây tử vong rất cao. Tỷ lệ trẻ tử vong vì viêm phổi có thể có thể lớn gấp nhiều lần so với các bệnh khác. Theo thống kê, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em chết vì viêm phổi, chiếm 15% tổng số ca tử vong của trẻ em trong độ tuổi này.
Theo PGS Dũng, trong đợt này, đối tượng viêm phổi nhiều nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Số trẻ nhỏ 2-3 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm phổi rất nhiều, có nhiều trẻ phải thở oxy. Tuy nhiên, biểu hiện viêm phổi bởi ở trẻ nhỏ không rầm rộ như trẻ lớn, nhiều trường hợp chỉ hâm hấp sốt, thậm chí không ho, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới ho, bỏ bú, ngủ kém, suy hô hấp. Điều này rất nguy hiểm vì khi phát hiện, bệnh của trẻ đã diễn biến nặng.
Biểu hiện của bệnh
Vẫn theo PGS Dũng, biểu hiện của trẻ khi bị viêm phổi là sốt cao và kéo dài. Do đó, khi thấy trẻ bị sốt cao mà kéo dài cần đưa ngay tới bệnh viện gần nhất.
Đặc biệt, cần chú ý đến nhịp thở của trẻ. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi: Trẻ dưới hai tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên; Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, 40 lần/phút trở lên.
Ngoài ra, trẻ bị viêm phổi có biểu hiện tím tái, có thể nhận biết triệu chứng ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân. Trẻ có hiện tượng này có nghĩa là đang viêm phổi nặng, nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời rất dễ để lại biến chứng, thậm chí là tử vong.
Ủ ấm trẻ quá kỹ là sai lầm
PGS Dũng khuyến cáo, các phụ huynh phải nhận thức được rằng thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn. Mức độ chịu nóng và lạnh sẽ khác người lớn nên không thể ủ ấm con quá mức giống người lớn. Trong nhiều trường hợp trẻ được mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu. Sau đó sẽ thấm ngược trở vào bên trong. Nếu bố mẹ không sớm phát hiện, trẻ sẽ bị cảm lạnh và viêm phổi.
Vì thế, trong mùa đông, các mẹ chỉ nên mặc đủ ấm cho trẻ, chọn các loại quần áo sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt.