Cảnh báo từ nến thơm
Nến thơm được rất nhiều người tin dùng vì tính thẩm mỹ và đặc biệt là mùi hương của nến tạo ra không khí thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.
Chị Vũ Thu Hương trú tại Đê La Thành, Hà Nội cho biết, hầu như tháng nào chị cũng phải mua ít nến thơm về đốt trong phòng ngủ. Thậm chí mùa đông này, nến thơm là thứ chị rất nghiền.
Để trang trí cho căn phòng, chị Hương cho biết mỗi lọ nến thơm có giá vài chục nghìn. Mỗi tối chị đốt một ít để cho hương phảng phất. Mùi hương của nến khá dễ chịu nên chị có cảm giác thoải mái, thư giãn.
Chị Hương giật mình khi nghe thông tin nến thơm có thể gây ra ung thư. Nhưng xem thành phần làm nến thơm, chị Hương vẫn không biết phân biệt được thành phần nào trong sản phẩm là tác nhân gây ung thư.
Chị Nguyễn Thị Trà bán đồ thờ, đồ phong thủy tại Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cho biết, các loại nến thơm chị bán rất chạy. Khách mua về thờ và nhiều người còn đốt trong phòng khách. Nến thơm có giá trị lớn là hút mùi nên phòng ăn, nhà bếp cũng có thể đặt nến.
Các spa, nhà hàng lớn ở Hà Nội đều có nhu cầu mua nến thơm, một phần khử mùi thuốc lá, một phần nến thơm có tính thẩm mỹ. Chị Trà cũng bất ngờ khi nghe nến thơm có thể gây ung thư.
Một bác sĩ của Bệnh viện Lao phổi trung ương tâm sự, đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo việc dùng nến thơm thường xuyên tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và hen suyễn.
Trong nến thơm có nhiều chất hóa học nên việc hít phải các chất hóa học nguy hiểm này bay trong không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, dị ứng hay hen suyễn.
Nến thơm độc hại như nào?
Ông Trần Sung nguyên viện trưởng viện Hóa học cho biết, hiện có rất nhiều loại nến thơm mà chủ yếu là sử dụng hóa chất hương liệu tổng hợp để tạo hương. Nến càng thơm sẽ đồng nghĩa càng nhiều hóa chất. Đã là hóa chất thì sử dụng ít hay nhiều đều độc hại.
Ông Sung cũng cho biết thêm, nguyên nhân gây độc của nến còn nằm ở bấc lõi chì, giữ bấc đứng, lửa cháy đều, không tắt. Khi nến cháy, chì sẽ phát tán vào không khí dưới dạng muội. Người dùng thường xuyên, hít nhiều khói nến sẽ bị nhiễm độc chì dẫn đến tích tụ chất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể gây chảy máu chân răng, đen chân răng, viêm lợi, ảnh hưởng đến cả đường ruột, gây viêm ruột, rối loạn tiêu hoá…
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên Khoa Hóa học trường Đại học Khoa học và tự nhiên Hà Nội cho biết bình thường nến được sản xuất từ chất fataffin. Chất này là chất trong suốt hay còn gọi là sáp. Bình thường, fataffin không ảnh hưởng cho sức khỏe, thậm chí chất này còn được sử dụng ở một số sản phẩm mỹ phẩm.
Nến thơm có nhiều hương liệu và hóa chất độc hại. Ảnh: Telegraph |
Tuy nhiên, với nến thơm thì khác. PGS Côn cho hay nến thơm bình thường được sản suất bởi các hương liệu, có sử dụng fataffin tạo hình thành những cốc nến rất đẹp. Tuy nhiên hiện nay nguyên liệu làm nến thơm rất đắt đỏ nên nhiều doanh nghiệp thường thay đổi hương liệu nến thơm bằng các chất hóa học hữu cơ có vòng thơm như benzene và các dẫn chất của benzene.
Benzene là một trong 20 loại hóa chất được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống con người hiện đại và có trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người.
Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng.
Nhiễm benzene thời gian dài còn làm giảm hồng cầu gây ra thiếu máu, có thể gây xuất huyết nhiều, giảm miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng. Benzene dính vào da thì làm da khô, ngứa, sưng đỏ. Nếu rơi vô mắt sẽ gây kích thích đau rát và tổn thương giác mạc.
PGS Trần Hồng Côn cho biết khi sử dụng các loại nến thơm bắt buộc phải chọn các loại nến của nhà sản xuất danh tiếng, không mua các loại nến trôi nổi để tránh mua phải nến thơm có chứa benzene.