Không thể phủ nhận rằng sự gia tăng ngày càng nhiều bệnh tật và những ảnh hưởng của chúng đã làm tăng mức độ của các rối loạn tình dục (RLTD), một vấn đề khá phổ biến trong xã hội hiện nay, nó gây nhiều phiền muộn cho bản thân người bệnh và “đối tác” của họ.
Các bệnh lý tim mạch
Bệnh tim
Có câu chuyện vui: "Một cô vợ bị bệnh tim, được bác sĩ dặn cần tránh vận động mạnh và tránh cả chuyện gần chồng, nếu không bệnh tim của cô có thể giết chết cô bất cứ lúc nào. Vì thế, hai vợ chồng miễn cưỡng đặt ra quy tắc là vợ ở tầng trên, chồng ở tầng dưới để tránh "cám dỗ".
Việc này thuận lợi trong nhiều tuần liền cho đến một đêm, họ gặp nhau ở giữa cầu thang, cô vợ từ trên đi xuống, còn anh chồng từ dưới đi lên. Cô vợ run run khẽ nói: "anh ơi, em sắp sửa đi tử tự đây". "Còn anh đang tính lên để…giết em đây" anh chồng vội vã trả lời.
Câu chuyện trên cho thấy chuyện "yêu" đã là một phần của cuộc sống và có không ít người quan tâm đến vấn đề này nhưng ngại hỏi dẫn tới có nhiều suy nghĩ cho rằng khi mắc các bệnh tim mạch nói chung thì không được "yêu".
Nếu hiểu biết về mối quan hệ giữa chuyện "yêu" và bệnh tim mạch sẽ giúp chúng ta có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này cũng như có những giải quyết hợp lý.
Hoạt động tình dục là một gắng sức vì thế tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh tim mạch mà có thể chịu được mức độ gắng sức khác nhau. Những người có suy tim độ I - II thì "yêu" có chừng mực sẽ là có lợi hơn hại, suy tim độ III thì cần hạn chế và suy tim độ IV thì nên kiêng hẳn, nhồi máu cơ tim sau 6 tuần có thể bắt đầu có hoạt động tình dục (HĐTD), sau 2 - 4 tuần với người vừa phẫu thuật tim. Tất nhiên là khi tình trạng sức khỏe cho phép.
Không nên thường xuyên làm chuyện ấy khi suy tim nặng. Ảnh: Boldsky |
Nhiều người cho rằng khi làm chuyện "ấy" sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột tử. Thực tế tỷ lệ này rất thấp, chỉ chiếm 1% số người nhồi máu cơ tim khi làm chuyện ấy. Tình trạng suy tim làm giảm tưới máu cho các cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục do cung lượng tim giảm. Đây là nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục ở những bệnh nhân này.
Các thuốc điều trị bệnh suy tim cũng là yếu tố gây rối loạn cương dương (RLCD) ở những bệnh nhân này như thuốc lợi tiểu kết hợp với thuốc chẹn beta giao cảm, spironolactine phối hợp với digoxin làm giảm hoặc ức chế hoạt động của testoteron huyết tương, cũng làm giảm ham muốn và gây RLCD.
Nói chung, các bệnh tim mạch ngày càng nặng thì nguy cơ bị RLC ngày càng cao, điều đó cũng tỷ lệ thuận với độ cao của huyết áp và số lượng các mạch máu bị tổn thương hay bị bệnh.
Tăng huyết áp (THA)
THA giai đoạn I và II (theo bảng chia độ của JNC VII) thì không cần kiêng quan hệ tình dục (QHTD), tất nhiên là khi thấy mệt thì không nên có hoạt động này. THA giai đoạn III kèm suy tim, đau thắt ngực kết hợp thì cần kiêng.
Tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng đời sống tình dục của những người bị THA ngày càng được quan tâm, tác dụng phụ của các thuốc điều trị THA nếu dùng kéo dài đều ảnh hưởng tới chức năng tình dục. Các RLTD như: RLCD, giảm ham muốn tình dục, là một trong các yếu tố đe dọa sự tuân thủ điều trị của người bệnh và dẫn đến việc kiểm soát huyết áp không hiệu quả.
Xơ vữa động mạch (XVĐM)
Bệnh lý động mạch có thể gây RLCD bởi nó làm cản trở dòng máu đến dương vật, nguyên nhân chủ yếu do XVĐM. Mảng xơ vữa làm giảm hoặc bít tắc sự lưu thông mạch máu khiến máu cung cấp nghèo nàn gây thiếu máu tương đối và làm ảnh hưởng đến sự oxy hóa thể hang.
Nguy cơ làm xuất hiện XVĐM gồm tình trạng tăng cholesterol máu, hút thuốc lá, THA, ĐTĐ, tổn thương các động mạch chậu thứ phát do chấn thương sau gẫy khung chậu hoặc chấn thương vùng đáy chậu cũng có thể gây RLC.
Rối loạn chuyển hóa (RLCH)
Qua một khảo sát của Viện quốc gia Cộng hòa Pháp về ảnh hưởng của thừa cân béo phì đối với HĐTD cho thấy, có 30% phụ nữ béo phì khó kiếm được một bạn tình trong thời gian 12 tháng, 70% nam giới béo phì khó có nhiều hơn một đối tác tình dục trong một thời điểm và một nửa trong số đó bị RLCD.
Các nghiên cứu cho rằng, tình trạng RLTD không liên quan đến chỉ số cân nặng của phụ nữ. Còn nam giới béo phì đặc biệt là béo bụng có sự tăng nồng độ estrogen nhiều đã gây ức chế sản xuất testosteron, làm giảm ham muốn. Khoảng 20% nam giới béo phì còn ham muốn tình dục (HMTD) nhưng béo phì từ độ III trở lên thì HMTD gần như mất hoàn toàn, không có hoặc ít ham muốn thường kéo theo phản xạ RLCD.
Những người thừa cân, béo phì và RLCH thường có tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL), glucose máu tăng, huyết áp tăng và đái tháo đường làm ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tình dục. Khi thừa cân bạn sẽ trở nên chậm chạp, nặng nề hơn về mặt thể chất, cộng với việc người bệnh hay có những mặc cảm, tự ti về hình ảnh cá nhân của mình.
Ngược lại ở phụ nữ, khối lượng mỡ bụng làm tăng tiết testosteron và gây tăng HMTD, tuy nhiên những phụ nữ này đang trong độ tuổi sinh đẻ lượng testosteron tiết nhiều sẽ làm mất cân bằng nội tiết dẫn đến kinh nguyệt không đều, thậm chí là mất kinh, không rụng trứng và vô sinh.
Đái tháo đường (ĐTĐ)
ĐTĐ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây RLCD. Có khoảng 50% nam giới mắc bệnh ĐTĐ bị RLCD, trong hầu hết các trường hợp RLC xuất hiện trong quá trình bị bệnh nhưng một tỷ lệ nhỏ có biểu hiện trước khi bị bệnh, một số người đi khám RLC mới phát hiện ra mình bị ĐTĐ.
Nguyên nhân ĐTĐ gây RLC là do khi đường máu tăng cao, kéo dài sẽ làm hư hại các tế bào nội mô và tế bào cơ trơn của vật hang. Các tế bào này dần trở nên xơ cứng vì thế đáp ứng với oxyd nitric (chất kích thích sản xuất cGMP có tác dụng làm giãn cơ trơn vật hang và làm dương vật cương cứng lên) làm giảm cGMP khiến máu đến vật hang không đủ, dương vật không thể căng đủ máu và không cương cứng như bình thường được.
Không có sự khác biệt về tỷ lệ RLCD giữa người điều trị hạ đường máu bằng thuốc và những người điều trị bằng insulin. Điều này gợi ý rằng RLCD có liên quan đến mức độ kiểm soát đường máu.
Các bệnh tâm thần
Bệnh nhân bị các bệnh tâm thần cũng có tỷ lệ cao bị RLCD, HMTD và khả năng cương bị ảnh hưởng tương đối nhưng đôi khi khó phân biệt được do ảnh hưởng của bệnh hay do tác dụng phụ của thuốc. Giảm HMTD là một triệu chứng của trầm cảm và chiếm tới 74% các trường hợp.
Những căng thẳng tâm lý hoặc những cảm xúc nội tâm bị dồn nén lâu làm rối loạn hoạt động của thần kinh giao cảm gây tăng tiết các nội tiết tố như cortisol, catecholamine làm co thắt các mạch máu khiến cản trở dòng máu đến thể hang dẫn đến không đủ lượng máu để tạo ra và duy trì độ cương cứng dương vật. Đặc biệt, sự tăng nồng độ prolactin huyết tương sẽ làm giảm HMTD.
Ngoài ra các bệnh mạn tính khác như suy thận, viêm khớp mạn tính, cường giáp… cũng gây RLCD. Uống nhiều bia rượu làm giảm nồng độ testosteron và tăng estrogen huyết tương lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh ngoại biên gây RLC. Chất nicotine có trong thuốc lá có thể gây co thắt mạch và thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch làm hẹp lòng mạch khiến lượng máu tới cơ quan sinh dục giảm cũng gây nên tình trạng RLCD.