Thông tin này được bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết. Theo lý giải của bác sĩ Hà, lần quay lại này, giang mai không chỉ khiến số lượng ca nhiễm tăng cao, bệnh còn biến đổi với xu hướng phức tạp, khó điều trị hơn.
Nỗi ám ảnh kéo dài 6 thế kỷ
Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hà, các ghi chép cho thấy bệnh giang mai được mô tả lần đầu tiên tại châu Âu vào cuối thế kỷ 15.
Theo tạp chí The Scientist, căn bệnh này xuất hiện giữa những người lính và gái mại dâm, họ đi khắp các địa phương. Những mụn nhọt to lan rộng khắp người, vỡ ra và để lại vảy, đau đớn, thịt thối rữa và mùi hôi thối hành hạ người nhiễm bệnh.
Hai bệnh nhân giang mai, một phụ nữ trên giường và một nam giới ngồi trên ghế, được miêu tả trong tranh khắc gỗ từ năm 1497. Ảnh: TheScientist/Jessica Wilson. |
Đến nay, nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của bệnh giang mai. Khi dịch bùng phát tại châu Âu, các quốc gia đổ lỗi cho nhau. Người Pháp gọi là “bệnh Italy”, người Italy gọi là “căn bệnh của người Pháp”, người Nga gọi “bệnh Ba Lan”, người Hà Lan gọi nó là “bệnh Tây Ban Nha”, người Thổ Nhĩ Kỳ gọi “bệnh Cơ Đốc”. Cuối cùng, bệnh được đặt là giang mai - theo tên của nhà thơ cũng mắc.
Giang mai tạo thành dịch bệnh lan rộng khắp châu Âu vào đầu thế kỷ XVI. Các nhà nghiên cứu chưa đưa ra kết luận chính xác về nguồn gốc của bệnh giang mai, trong khi đó, căn bệnh tiếp tục hoành hành khắp thế giới sau khoảng 600 năm ghi nhận trường hợp đầu tiên.
Trong khoảng 50 năm sau, các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhẹ nhàng hơn. Dù vậy, cho đến nay, giang mai thường xuyên là chủ đề gây tranh cãi về y học, sức khỏe cộng đồng và bình luận xã hội.
Con người là vật chủ tự nhiên duy nhất
Giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai. Bệnh diễn tiến mạn tính và có thể không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu trong thời gian dài.
Về đặc điểm vi sinh và lây truyền, bác sĩ Bùi Mạnh Hà cho biết xoắn khuẩn giang mai được xác định lần đầu vào năm 1905. Đến nay, các nhà khoa học chưa nuôi cấy được trong môi trường nhân tạo và con người là vật chủ tự nhiên duy nhất.
Lây truyền T.pallidum xảy ra khi da, niêm mạc tiếp xúc trực tiếp tổn thương nhiễm trùng. Nguy cơ lây truyền sau tiếp xúc khoảng 30%. Xoắn khuẩn giang mai cũng dễ dàng đi qua nhau, gây nhiễm trùng bào thai. Việc lây truyền qua máu có xảy ra nhưng hiếm gặp.
Năm 1943, Penicillin được tìm ra và sử dụng trong điều trị giang mai. Từ thời điểm này, tỷ lệ mắc bệnh giảm hẳn. Đến nay, Penicillin vẫn là loại kháng sinh rất hiệu quả trong điều trị bệnh này.
Cuối thập niên 1990, cùng với nỗ lực đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh giang mai cũng giảm đến mức rất thấp. Một số quốc gia xây dựng kế hoạch nhằm loại trừ hẳn giang mai.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh giang mai có xu hướng tăng dần đều. Đặc biệt, con số này gia tăng mạnh mẽ trong vài năm gần đây tại nhiều khu vực trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 6,3 triệu ca giang mai mới được phát hiện. Một triệu phụ nữ mang thai mắc giang mai, 661.000 trẻ bị bẩm sinh, 200.000 trường hợp thai chết lưu và tử vong sơ sinh do căn bệnh này.
Trong năm 2019, tỷ lệ nhiễm giang mai ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm khoảng 11,8%. Đáng chú ý, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia. Báo cáo của Việt Nam cho WHO là 6,7% vào năm 2018. Trong khi đó, năm 2008, tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ khoảng 0,89%. Tỷ lệ nhiễm giang mai đang hoạt động ở nhóm gái mại dâm khoảng 10,8%.
“Tỷ lệ nhiễm giang mai ở nhóm MSM đang tăng dần. Tỷ lệ đồng nhiễm HIV ở nhóm này cũng rất cao, khoảng 50%. Bên cạnh đó, số trẻ mắc giang mai bẩm sinh cũng tăng dần trong những năm gần đây, song song với tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhiễm bệnh”, bác sĩ Bùi Mạnh Hà nhận định.
Tại Việt Nam, giang mai được xếp vào nhóm C trong Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Các chương trình phòng chống bệnh lây qua đường tình dục chủ yếu được lồng ghép với chương trình phòng HIV/AIDS.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số lượng người đến khám vì bệnh lây qua đường tình dục tăng hàng năm. Trong năm 2019, 6.000/70.000 lượt bệnh nhân đến khám vì giang mai.
Thách thức
Bác sĩ Hà cho biết các thể giang mai hiếm gặp cũng được ghi nhận ngày càng nhiều. Cụ thể, trong 2 năm (2014-2015), khoảng 200 ca giang mai được báo cáo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phải xây dựng khuyến cáo khẩn cấp về phác đồ chẩn đoán, điều trị cho thể bệnh này vào năm 2015. Ngoài ra, các thể giang mai tai, giang mai muộn hiếm gặp cũng có sự gia tăng.
Bệnh giang mai được chia thành nhiều giai đoạn với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau ở từng thời điểm. Bệnh thường diễn tiến mạn tính và không có triệu chứng đặc hiệu trong thời gian dài. Nếu không được điều trị, giang mai có thể gây ra những tổn thương nặng nề tại cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh.. Đặc biệt có thể gây ra những hậu quả rất trầm trọng cho thai nhi.
Các chuyên gia da liễu nhận định Penicillin đạt hiệu quả điều trị tốt, đến nay vẫn chưa ghi nhận vi khuẩn kháng thuốc. Tỷ lệ điều trị thành công ước tính khoảng 90-100%, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh tại thời điểm điều trị. Tuy nhiên, sự quay trở lại lần này của giang mai đặt ra thách thức lớn đối với ngành da liễu trong việc kiểm soát mức độ gia tăng, đe dọa sức khỏe toàn dân.
Lý giải sự quay trở lại của căn bệnh đáng sợ này, các chuyên gia nhận định có sự thay đổi về thái độ, hành vi tình dục trong cộng đồng. Tỷ lệ sử dụng bao cao su giảm, nam giới quan hệ tình dục lần đầu thường không có thói quen dùng bao cao su. Đồng thời, các hành vi tình dục không an toàn cũng có xu hướng tăng.
Trong đó, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nhóm quan hệ tình dục đồng giới, nhiều bạn tình hoặc "yêu" qua đường hậu môn có khả năng lây nhiễm bệnh rất cao.
Ngoài ra, bác sĩ Bùi Mạnh Hà nhấn mạnh sự thay đổi khả năng miễn dịch của vật chủ cũng như mức độ quan tâm và tài trợ cho các chương trình y tế công cộng phòng giang mai dần bị cắt giảm. Điều này khiến tỷ lệ người mắc giang mai tăng mạnh.
Chia sẻ giải pháp tiếp cận, sàng lọc và phát hiện sớm người bệnh giang mai, bác sĩ Bùi Mạnh Hà nhấn mạnh sự nháy bén và linh hoạt của nhân viên y tế. Khi khai thác bệnh sử, nhân viên y tế không chỉ nên dựa vào triệu chứng lâm sàng mà phải căn cứ yếu tố nguy cơ, cảnh giác để không bỏ sót bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân thường có tâm lý miễn cưỡng hoặc tránh khác về hành vi tình dục. Thầy thuốc cần ứng biến linh hoạt để bệnh nhân không bỏ lỡ cơ hội khám sàng lọc.
Bác sĩ Hà khẳng định giang mai là căn bệnh cũ, dễ chẩn đoán và điều trị. Nhưng sự gia tăng mạnh mẽ số người nhiễm liên quan thay đổi ý thức, hành vi tình dục cùng với sự xuất hiện thể bệnh mới tạo thách thức không nhỏ cho ngành y tế, đòi hỏi chúng ta có kế hoạch ứng phó kịp thời để hạn chế những rủi ro.