Bệnh giun rồng, hay còn gọi là bệnh Guinea, là căn bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tiêu hóa, do ký sinh trùng giun tròn có tên khoa học là Dracunculus medinensis gây ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh giun rồng thuộc nhóm bệnh nhiệt đới bị bỏ quên, thường xảy ra ở những người uống nước từ nguồn không an toàn.
Con đường lây nhiễm giun rồng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), giun rồng sẽ giải phóng một chất lỏng màu trắng sữa chứa hàng trăm nghìn ấu trùng chưa trưởng thành xuống nước trong ao và các nguồn nước tù đọng khác. Những ấu trùng này sau đó được tiêu thụ bởi loài giáp xác gần như vi khuẩn được gọi là copepod (bọ chét nước nhỏ).
![]() |
Giun rồng ghi nhận tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Loan. |
Mọi người có thể nhiễm bệnh giun rồng khi uống phải nước chưa lọc chứa các copepod - một loại giáp xác nhỏ - mang ấu trùng ký sinh trùng Dracunculus medinensis. Ngoài ra, ăn phải thực phẩm sống, tái chứa ấu trùng này, thường là các loài thủy sinh như cá, ếch, tôm, cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh giun rồng nếu không may ăn, uống phải thực phẩm hoặc nguồn nước chứa ấu trùng giun rồng. Sau khi nhiễm, ký sinh trùng phát triển trong cơ thể người bệnh, đến khi giun trưởng thành dài 60-100 cm sẵn sàng trồi ra khỏi da, thường qua vết phồng rộp ở chân hoặc tay.
Lúc này, nếu người bệnh lội xuống ao, hồ hoặc vùng nước tù đọng, giun cái phóng thích hàng nghìn ấu trùng vào nước, tiếp tục chu kỳ lây lan khi copepod ăn phải chúng
Triệu chứng điển hình
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người bệnh thường không có triệu chứng nhiễm giun rồng cho đến khoảng một năm sau khi bị nhiễm trùng.
Sau đó, một con giun cái mang thai trưởng thành đầy ấu trùng tạo ra một vết phồng rộp, đau và ngứa trên da. Ở giai đoạn này, nếu vết phồng rộp bị vỡ và tiếp xúc với nước, giun cái sẽ phóng ấu trùng giun ra ngoài môi trường.
Từ vài giờ đến vài ngày trước khi giun rồng trồi ra khỏi da, người bệnh thường sốt, sưng và đau ở vùng bị ảnh hưởng. Giun hay xuất hiện ở chân, bàn chân, đôi khi ở các vị trí khác trên cơ thể.
Khi con giun cái trưởng thành chui ra khỏi da, nó có thể gây đau đớn, nhiễm trùng (áp xe) và mất nhiều thời gian để loại bỏ. Người bệnh cũng có các triệu chứng phản ứng dị ứng với kháng nguyên giun bao gồm mề đay, ban đỏ, khó thở, ói mửa, và ngứa.
Triệu chứng giảm dần và loét lành sau khi giun trưởng thành bị thải trừ. Người từng bị nhiễm giun rồng có thể bị tái nhiễm nếu không phòng ngừa cẩn thận.
Cách phòng ngừa
Theo Britannica, bệnh giun rồng không có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine để ngăn ngừa. Vì vậy, việc phòng ngừa là điều cần thiết:
- Sử dụng nguồn nước sạch: Uống nước đun sôi, tránh những nguồn nước (ao, hồ) chưa được xử lý. Lọc nước trước khi uống.
- Ăn chín, uống sôi.
- Dự phòng lây nhiễm bằng cách xử lý, làm sạch và băng bó thường xuyên vết thương ở da, vùng bị tổn thương cho đến khi giun hoàn toàn bị trục xuất ra khỏi cơ thể.
- Ngăn ngừa lây nhiễm từ nước bằng cách tư vấn cho bệnh nhân tránh lội xuống những vùng nước bẩn.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.