Ngày 6/8, theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cứu bệnh nhi N.T.K., 13 tháng tuổi (trú tại xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang) bị thoát vị hoành trái lỗ lớn. Sau 9 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và chuẩn bị được xuất viện.
Trước đó, bé nhập viện trong tình trạng nôn, ho và khó thở. Các bác sĩ thăm khám lâm sàng và nhận thấy thành ngực di động kém, mạch nhanh. Trẻ có biểu hiện kích thích quấy khóc, ngay lập tức được đưa vào khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc.
Lúc này, độ bão hòa oxy trong máu của trẻ chỉ đạt 87%. Ê-kíp điều trị cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, thiết lập đường truyền, truyền dịch, duy trì an thần và theo dõi sát toàn trạng của trẻ.
Hình ảnh X-quang thoát vị hoành trái của bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Sau khi có kết quả chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bé K. bị suy hô hấp rất nặng. Các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách đều chui qua lỗ thoát vị hoành bên trái lên thành ngực chèn ép, làm xẹp phổi trái và đẩy tim lệch nghiêng sang phải (nguy cơ xoắn cuống tim). Tình trạng này khiến K. có nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh viện đã huy động nhiều bác sĩ, chuyên gia và tiến hành phẫu thuật cho bé gái 13 tháng tuổi. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Trà, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, trẻ bị thoát vị hoành lỗ lớn là bệnh lý phức tạp, việc gây mê cũng gặp nhiều khó khăn.
Các bác sĩ phải kiểm soát sát sao huyết động, dịch truyền, theo dõi huyết áp liên tục và điều chỉnh lượng dịch thích hợp khi trẻ đang bị mất nước, sốc chèn ép tim. Chỉ một sai sót nhỏ cũng sẽ khiến cuộc phẫu thuật không thành công.
Sau hai giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Cháu bé được thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, truyền dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, duy trì an thần, kháng sinh chống nhiễm trùng, giảm đau. Đến ngày thứ 3, trẻ tỉnh táo hơn.
Sau thời gian phẫu thuật, bé T.K. đã thoát cửa tử và sức khỏe dần ổn định. Ảnh: BVCC. |
Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành khiến các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, gan, lách chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị. Ở trẻ nhỏ, thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh. Trẻ sinh ra đã bị khiếm khuyết ở cơ hoành và mang những biểu hiện của thoát vị hoành như suy hô hấp.
Trường hợp thoát vị hoành không phải bệnh lý bẩm sinh hình thành do khiếm khuyết mạch máu nuôi dưỡng khiến cơ quan này bị thiểu sản, mỏng như lớp màng. Trong quá trình phát triển của trẻ, cơ hoành không dày lên.
Mỗi khi trẻ gắng sức như ho hoặc khóc to, áp lực giữa ổ bụng với lồng ngực thay đổi, lớp cơ hoành mỏng này bị rách khiến ruột và các tạng khác chui lên lồng ngực dần dần. Qua thời gian, trẻ bị suy hô hấp nặng.
Theo thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, thoát vị hoành là bệnh hiếm gặp, phức tạp. Bé T.K. là trường hợp thứ hai gặp tình trạng này và được bệnh viện tiếp nhận điều trị. Trước đó, bệnh nhi đầu tiên là trẻ sơ sinh bị thoát vị hoành bẩm sinh nặng tới mức thiểu sản phổi.