Nhiều người dễ mắc bệnh hô hấp trong thời điểm chuyển mùa. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Theo thông tin phát đi chiều 4/12 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và cúm A(H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...
Trung Quốc ngày 13/11 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc nước này.
Ngày 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhận định nguyên nhân chính là do đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm. Ngoài ra, nguyên nhân còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, adenovirus...
Tại Malaysia, Singapore, số ca mắc Covid-19 gia tăng từ 50-100% so với tuần trước đó. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.
Ngày 24/11, Campuchia ghi nhận thêm một ca mắc cúm A/H5N1 ở người. Trong năm nay, quốc gia này đã ghi nhận 6 ca mắc cúm ở người, trong đó 3 ca tử vong.
Theo khuyến cáo của Cụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân. Thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.
Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền hô hấp có thể tăng cao, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại địa điểm tập trung đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.