Những ngày gần đây, thông tin diễn viên Mạc Can nhập viện nhận được sự quan tâm của người hâm mộ. Nhiều người chia sẻ với hoàn cảnh của ông khi ở tuổi 74 vẫn sống nay đây mai đó, bị loét dạ dày nhiều năm do dùng thuốc thuốc giảm đau cộng với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý.
Bác sĩ cho biết thực tế, không ít người lạm dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian dài. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Diễn viên Mạc Can điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Ái Thanh, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM), loét dạ dày là tổn thương gây khuyết lớp niêm mạc dạ dày, tá tràng (phần tiếp nối dạ dày và là phần đầu của ruột non), độ sâu ít nhất là đến lớp dưới niêm mạc.
Dù đã có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, căn bệnh này có tính chất mạn tính, dễ tái phát và gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Thanh cho biết bên cạnh các tác nhân nhiễm trùng như helicobacter pylori, virus CMV, Herpes... và các yếu tố stress, rối loạn vận động, thói quen ăn uống, việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian dài chính là nguyên nhân gây nên tình trạng loét dạ dày nguy hiểm.
Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thời gian dài có thể là nguyên nhân gây loét dạ dày nguy hiểm. Ảnh: Medical News Today. |
Hai loại thuốc giảm đau, nếu dùng nhiều, có thể gây hại cho dạ dày là:
- Aspirin: Gây loét và chảy máu, gặp ở dạ dày nhiều hơn tá tràng, do tác dụng tại chỗ và toàn thân. Chất axit trong dạ dày làm cho tinh thể Aspirin không phân ly và hòa tan được với mỡ, nên xuyên qua lớp nhầy và ăn mòn niêm mạc gây loét. Aspirin cũng gây ức chế Prostaglandin, làm cản trở sự đổi mới tế bào niêm mạc và ức chế sự sản xuất nhầy ở dạ dày và tá tràng.
- Kháng viêm Nonsteroid: Gây loét và xuất huyết tương tự Aspirin nhưng tính axit yếu hơn nên không gây ăn mòn tại chỗ.
Viêm loét dạ dày gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng thành dạ dày, tá tràng, hẹp môn vị, loét ung thư hóa… có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng thuốc giảm đau đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều dùng hoặc tự uống để điều trị bệnh.
Tất cả bệnh nhân, trước khi điều trị lâu dài với các thuốc có nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày - tá tràng, cần làm các xét nghiệm tìm helicobacter pylori và điều trị diệt trừ vi khuẩn này nếu kết quả dương tính.
“Chẩn đoán các biến chứng loét dạ dày dựa vào nội soi và lâm sàng, khi bệnh nhân có dấu hiệu của biến chứng viêm loét như đau bụng thượng vị, nôn ói, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen… nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt", bác sĩ Thanh nói.