Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh lý khiến người bệnh phù cả 2 chân

Không chỉ về mặt sức khỏe, tình trạng phù chi dưới còn làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí khiến bệnh nhân trở thành gánh nặng của xã hội.

Gần một nửa số người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu bị phù chi dưới. Ảnh: imani_bahati.

Theo ước tính, có khoảng 20-50% người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) bị hội chứng hậu huyết khối với biểu hiện phù chi dưới, loét tĩnh mạch gây đau nhức, giới hạn vận động.

Tình trạng này nếu không được xử lý trong thời gian dài có thể gây thuyên tắc phổi, suy hô hấp cấp, thậm chí đột tử.

Cách nhận biết từ sớm

Theo TS Lê Phi Long, Phó trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, loét tĩnh mạch do HKTMS chiếm tỷ lệ 70-80% trường hợp người bệnh loét chân mạn tính.

“Tình trạng này bắt nguồn từ sự tắc nghẽn dòng máu tĩnh mạch tại các chi. Theo thời gian, lưu lượng máu bị ứ đọng tại các tĩnh mạch ở chi càng lớn, dẫn đến tình trạng căng cứng, phù nề chi”, vị chuyên gia thông tin.

Về lâu dài, biểu hiện này gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa tại chỗ, loạn dưỡng, từ đó hình thành các vết lở loét.

TS Long đánh giá phù chi dưới, loét tĩnh mạch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, cả về mặt sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, đồng thời mang tới gánh nặng cho xã hội.

Số liệu thống kê tại các trung tâm y tế quốc tế cho thấy chi phí hàng năm để điều trị loét tĩnh mạch do HKTMS có thể lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, các vết loét không được điều trị sẽ ngày càng lây lan, tăng nguy cơ bội nhiễm, dẫn tới những tình trạng nặng hơn như viêm mô tế bào lan rộng, hoại tử chi, cắt cụt chi...

Không những thế, BS Nguyễn Đức Chỉnh, khoa Tim mạch Can thiệp, cho hay khoảng 50% người bệnh thuyên tắc HKTMS diễn biến sang hội chứng hậu huyết khối và khoảng 10% bị loét mạch.

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở 227 trung tâm y tế trên 27 quốc gia, nguy cơ loét chi hậu huyết khối tăng tới 5,5 lần ở người bệnh có huyết khối, tăng 3,2 lần ở người bệnh giãn tĩnh mạch, tăng 2,3 lần ở người bệnh tiểu đường, tăng 2 lần ở người béo phì và tăng 2,5 lần ở nam giới.

Cụ thể, diễn tiến bệnh được chia thành 6 mức độ với các biểu hiện tăng dần. Trong đó, đau chân, chuột rút, dị cảm, ngứa hoặc tình trạng giãn mao mạch, tĩnh mạch, phù chân... là những dấu hiệu ban đầu dễ nhận biết, báo hiệu sớm tình trạng phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS.

Phương pháp điều trị

Theo BS Nguyễn Đức Chỉnh, các phương pháp điều trị phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS được chia thành 3 nhóm chính gồm:

benh ly phu chi duoi anh 1

Bệnh nhân phù chi dưới được thăm khám tại Bệnh viện Y Dược TP.HCM. Ảnh: BVCC.

  • Điều trị không dùng thuốc: Thay đổi lối sống, tăng cường vận động, sử dụng các phương pháp hỗ trợ như tất áp lực, băng ép…
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc kháng đông, có thể kết hợp thuốc tăng trương lực tĩnh mạch.
  • Điều trị can thiệp bằng phẫu thuật: Đặt stent, lấy huyết khối...

“Các phương pháp điều trị kể trên được áp dụng cho hầu hết ca bệnh. Đối với nhóm phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc người bệnh ung thư, việc áp dụng phương pháp điều trị cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa”, vị chuyên gia nói thêm.

Theo TS Lê Phi Long, kế hoạch phòng ngừa phù chi dưới, loét tĩnh mạch do HKTMS có sự khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ của người bệnh.

Thay đổi chế độ sinh hoạt, sử dụng dụng cụ hỗ trợ như vớ áp lực, băng ép, dùng thuốc kháng đông đúng theo chỉ định của bác sĩ... là những “vũ khí chính yếu” trong điều trị phòng ngừa hội chứng hậu huyết khối do HKTMS.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Lý giải những cơn đau vai mãi không khỏi

Đau vai là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc giảm đau chỉ xoa dịu cơn đau tạm thời nhưng không thể giải quyết vấn đề triệt để.

Những người gặp nguy hiểm trong ngày rét đậm

Thời tiết lạnh sâu kéo dài đặt những nhóm có sức đề kháng yếu vào nguy cơ lớn mắc các bệnh về đường hô hấp, thậm chí diễn biến nặng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm