Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nặng vì tự ý dùng thuốc kéo dài

Việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, quá liều là sai lầm của nhiều người Việt. Điều đó khiến bệnh tình thêm trầm trọng.

- Tôi hay bị đầy bụng khó tiêu đau tức vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua... Mỗi lần như vậy tôi uống thuốc muối (nabica) thì thấy đỡ. Tuy nhiên thời gian gần đây uống vào không đỡ mà có biểu hiện khó chịu hơn. Xin hỏi việc tôi dùng thường xuyên như vậy có ảnh hưởng gì không?

Thạc sĩ Nguyễn Bạch Đằng tư vấn:

- Với những biểu hiện lâm sàng mà bạn mô tả nhiều khả năng bạn mắc bệnh lý của hệ thống dạ dày - tá tràng, tuy nhiên là bệnh gì thì bạn cần phải đi khám chuyên khoa tiêu hóa.

Trong các cơ chế gây ra bệnh lý dạ dày - tá tràng thì có một vấn đề khá quan trọng đó là sự tăng tiết HCl trong thành phần dịch vị, chính vì vậy có một nhóm thuốc để điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng là nhóm thuốc antacid và nabica mà bạn nói thuộc vào nhóm này.

Các thuốc antacid có tác dụng tương tác với HCl tạo nên những loại muối không được hấp thu hoặc ít hấp thu do đó làm tăng pH dạ dày, hạn chế khả năng hoạt động của pepsin. Cho đến nay có nhiều loại thuốc antacid dùng để chữa loét tiêu hóa.

Một thuốc antacid được gọi là lý tưởng phải đủ mạnh để trung hoà acid dạ dày, rẻ tiền, dễ uống, ít hấp thu vào máu từ đường dạ dày ruột, đồng thời ít tác dụng phụ.

- Bicarbonat natri và canci carbonat là các antacid tác dụng nhanh, mạnh, rẻ tiền. Nhưng bicarbonat natri có khuynh hướng gây nhiễm kiềm toàn thân và chứa nhiều natri (hội chứng sữa - kiềm), đồng thời nó gây một cơ chế quay lại (feed back) làm tăng tiết gastrin dẫn đến HCl lại được tiết nhiều hơn trước.

Canxi carbonat cũng gây nên hội chứng sữa kiềm và canxi còn kích thích trực tiếp lên tế bào thành gây tăng tiết HCl. Do đó các thuốc này hiện nay hầu như không dùng trong điều trị loét tiêu hóa.

Thuốc antacid được sử dụng rộng rãi hiện nay là hỗn hợp giữa nhôm hydroxyt và magie hydroxyt. Các thuốc này tương đối an toàn, ít hấp thu tại niêm mạc dạ dày ruột, tác dụng trung hòa HCl mạnh.

Như vậy trong trường hợp của bạn cần đến cơ sở y tế có uy tín, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó bác sĩ sẽ cho bạn chỉ định điều trị cụ thể, trong mọi trường hợp không nên tự ý dùng thuốc tránh những hậu quả không đáng có.

http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/benh-nang-vi-tu-y-dung-thuoc-keo-dai-them-20150728163939669.htm

Theo Thạc sĩ Nguyễn Bạch Đằng/Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm