Ngày 29/5, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Tiểu ban Điều trị đã cùng Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành hội chẩn cho bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, đến ngày 28/5, bệnh nhân 91 đã có những dấu hiệu khá hơn. Sau khi ngưng thuốc an thần, dãn cơ, bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và cử động được ngón tay, cơ hoành và cơ khác còn liệt.
Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (trước đó chỉ 10%). Bệnh nhân tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO còn cao (dù đang giảm dần các thông số), nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.
Theo kết luận hội chẩn của Tổ chuyên môn Bộ Y tế, sức khỏe bệnh nhân đã có những tín hiệu đáng mừng và tích cực hơn. Cụ thể, kết quả men gan giảm dần đều trong 3 ngày qua, tình trạng viêm và nhiễm khuẩn giảm thêm. Đến ngày hôm nay, bệnh nhân có phản xạ tốt hơn, có thể xoay đầu khi nhận y lệnh từ bác sĩ, sức cơ tay chân cũng khá hơn, tình trạng cứng hàm cũng cải thiện, đã ngậm được kín miệng.
Tuy nhiên, bệnh nhân 91 vẫn còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay, đang được tích cực tập vật lý trị liệu.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc điều trị bệnh nhân 91 còn nhiều thách thức vì vẫn còn tình trạng nhiễm trùng phổi, song quan điểm của Bộ Y tế là hết lòng điều trị, phục vụ cho người bệnh, không phân biệt trong hay ngoài nước, giàu hay nghèo.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, cho hay đây là trường hợp mắc Covid-19 khó nhất từ trước đến nay. Do đó, chiến lược điều trị tiếp theo là tập trung điều trị nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO.
“Hiện nay chúng ta chưa có ca tử vong. Bí quyết nằm ở sự đoàn kết và thiết lập một ‘team work’ làm việc hiệu quả”, GS Bình nhấn mạnh.
GS.TS Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, cũng đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét sử dụng loại thuốc mới trong điều trị nấm cho bệnh nhân, đồng thời thay đổi bằng thuốc tiêm cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân 91 cần được quan tâm đặc biệt đến dinh dưỡng để cải thiện cơ hô hấp, cơ hoành.
Bệnh nhân 91 được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Sau khi nghe ý kiến của hội đồng chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung điều trị nhiễm trùng phổi, thay thế thuốc điều trị chống nấm cho bệnh nhân.
Bệnh nhân cần được quan tâm điều trị chức năng gan, thận… và tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân để cải thiện cơ hoành và tình trạng liệt cơ. Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Đức phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi tình trạng người bệnh, tìm kiếm nguồn cho phổi phù hợp.
Bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất còn đang điều trị Việt Nam. Sau 66 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 6 lần liên tiếp trong 15 ngày.
Chiều 22/5, bệnh nhân 91 được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.