- Ông không muốn tập nữa đúng không, tôi đi mách bác sĩ Linh!
- Kìa kìa, bác sĩ Linh vô tới rồi kìa. Thôi xong, bác ấy giận ông cho mà xem.
Kỹ thuật viên Trần Đức Duy, phụ trách vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, gằn giọng, mặt nghiêm nghị trước bệnh nhân 91.
Nam phi công nghe thấy, lập tức quay người ra hướng cửa phòng cách ly, đảo mắt tìm bác sĩ Linh (BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy).
Anh Duy thấy vậy, tủm tỉm cười.
“Nam phi công thương và sợ bác sĩ Linh lắm. Mỗi khi bệnh nhân không chịu tập hoặc lười biếng một chút, tôi doạ mách bác sĩ Linh. Kiểu gì ông cũng sợ mà chịu tập”, kỹ thuật viên Duy chia sẻ.
Gần một tháng nay, anh Duy đảm nhận công việc vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân 91. Anh cũng là người chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của nam phi công trong hành trình 100 ngày qua.
Nụ cười quý giá
Nhớ lại kỷ niệm thú vị với viên phi công, kỹ thuật viên Trần Đức Duy, phụ trách vật lý trị liệu phục hồi chức năng, hào hứng kể về ngày đầu tiên gặp mặt và trêu phi công.
“Vừa nhìn thấy ông, tôi nói một tràng tiếng Anh: ‘Good moring! How are you? I’m fine, thank you, and you? Ok?’. Ông ấy nhìn tôi, nở nụ cười. Tôi đứng hình mất vài giây”.
Anh Trần Đức Duy là thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân 91. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Nhớ lại ngày vừa tiếp nhận tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân, anh Duy vẫn chưa hết bàng hoàng. Thời điểm đó, bệnh nhân chưa tỉnh táo, đang chạy ECMO, thở máy, phổi cũng chưa hồi phục. Phi công lúc này đang là tâm điểm của cả nước lẫn quốc tế, với anh Duy, việc giúp bệnh nhân này hồi phục “không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng”.
Để bắt đầu vật lý trị liệu hô hấp, anh Duy áp sát ngực bệnh nhân, theo dõi kỹ nhịp thở. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Duy xác định phổi phi công chắc chắn có đàm, thậm chí rất nhiều. “Em chuẩn bị ngay máy hút đàm”, anh Duy ra y lệnh.
Đúng thời điểm phi công có phản xạ ho, sặc, đàm được đẩy ra ngoài, đông đặc toàn máu và tế bào chết.
“Nhiều ngày sau, đàm ra nhiều đến mức điều dưỡng hút đàm không kịp. Nhờ vậy, phổi bệnh nhân thông thoáng dần và phục hồi tốt hơn”, kỹ thuật viên Trần Đức Duy kể.
Nhận xét tình trạng của bệnh nhân, anh Duy cho biết vấn đề của phi công là thông khí hô hấp, tập vận động các chi. Do bệnh nhân nằm lâu nên khớp cứng, cơ yếu. Nam kỹ thuật viên khiêm tốn cho biết công việc này đơn giản, hầu như ai trong nghề phục hồi chức năng cũng làm được.
“Ngày đầu đưa bệnh nhân ra phơi nắng, ông ra hiệu xin tấm bảng. Cứ ngỡ ông cần giúp gì, ai ngờ ông ấy viết: 'Làm ơn hôm sau cho tôi ra lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ra giờ này, tôi nắng lắm'”, anh Duy thuật lại, cười lớn.
Hiện tại, mỗi bước đi của bệnh nhân đều có trợ giúp của nhân viên y tế. Nhiều lúc nam phi công không chịu tập mặc dù làm được tất cả. Đôi lúc, ông trách, giận bác sĩ vì bị bắt tập luyện nhiều.
"I love you"
Hơn một tháng trước, điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm, 28 tuổi, xung phong vào hàng ngũ ê-kíp chăm sóc bệnh nhân 91. Đến nay, gia đình vẫn không hề hay biết chị và các cộng sự đã điều trị cho ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam này.
Mỗi ngày, chị vào thăm nam phi công với các câu hỏi bằng tiếng Anh chuẩn bị sẵn. Từ ngày bệnh nhân 91 về khoa ICU và tỉnh lại, giao tiếp được, chị Thắm lại bắt đầu thử thách mới: Học ngôn ngữ để nói chuyện với bệnh nhân.
Nữ điều dưỡng thừa nhận hơn một tháng qua, vốn từ vựng và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của chị tăng vượt bậc.
Ngoài thời gian cùng bác sĩ kiểm tra sinh hiệu bệnh nhân, toàn ca trực, chị Thắm mắt nhìn một hướng về màn hình máy Monitor, thao thức, bất kể ngày đêm. Chị không nhớ đã nói “be stronger” với ông bao nhiêu lần, từ trước đến nay.
Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm (trái) và Hồ Thị Thi (phải) kể lại kỷ niệm khó quên cùng bệnh nhân 91. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nhớ lại ngày đầu nói chuyện với nam phi công, chị Thắm vẫn chưa thôi “ám ảnh”. Phi công nói giọng Scotland, chị Gấm và đồng nghiệp không hiểu được. Không giao tiếp được, phi công trừng mắt, nhăn mặt. “Lúc đó, tôi căng thẳng vô cùng”, chị nói.
Một thời gian sau, cảm nhận sự ân cần, chu đáo của y bác sĩ, nam phi công dần thay đổi thái độ. Chị Thắm và đồng nghiệp mỗi ngày cũng trau dồi vốn từ vựng, giao tiếp với ông nhiều hơn. Ngược lại, nam phi công cũng nhờ các chị “dạy học tiếng Việt”. Mối quan hệ của hai bên thân thiết lên từng ngày.
Ngày bệnh nhân rút stone dạ dày, chị Thắm thuyết phục nhưng phi công vẫn không chịu ăn uống. Trong lớp bảo hộ kín mít hàng giờ đồng hồ, chị kiên trì: “Do you need any help?”. Phi công nhìn chị, im lặng. “I will do whatever you want”, chị nói thêm, giọng lo lắng.
Trong đầu chị tưởng tượng đến cảnh phi công nổi giận, sau đó đuổi chị ra ngoài. Nhưng không, thái độ của ông đã khiến chị bất ngờ và lâng lâng vui sướng.
“Ông ấy an ủi và khuyên tôi đừng quá lo cho ông như vậy. Ông không đói thật và chưa muốn ăn. Lần đầu tôi thấy bệnh nhân an ủi ngược lại nhân viên y tế”, nữ điều dưỡng trải lòng.
Trong một lần vô tình bị tác động mạnh, phi công nổi giận và quát lớn: "đau" bằng tiếng Việt. Chị Thắm lập tức xin lỗi bệnh nhân và thao tác nhẹ nhàng hơn. Một lúc sau, bệnh nhân thủ thỉ, nói xin lỗi chị Thắm, cũng bằng tiếng Việt.
"Ông ấy nói do đau quá nên mới lớn tiếng với tôi chứ không cố ý. Tôi vui lắm", nữ điều dưỡng nói.
Từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đến Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu hết y bác sĩ đều nhận xét nam phi công “khó tính, hay cáu gắt”. Lúc tỉnh táo, còn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ông khó chịu đến mức khiến y bác sĩ "quay cuồng".
"Tôi khoẻ rồi, tôi không làm. Tôi thấy không cần thiết. Tôi không đồng ý…" là những câu nói quen thuộc của bệnh nhân khi đó.
Còn bây giờ, nam phi công là bạn của y bác sĩ. Có hôm tập vật lý trị liệu xong, phi công mỉm cười nhìn bác sĩ, nói: "I love you".
Động lực từ lời hứa
Ngồi cạnh điều dưỡng Gấm, chị Hồ Thị Thi (42 tuổi), Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, lặng lẽ nhìn đồng nghiệp, thỉnh thoảng chị bật cười theo từng kỷ niệm đồng nghiệp kể lại. Với điều dưỡng Thi, Thắm và toàn ê-kíp, không ai ngờ nam phi công hồi phục nhanh đến vậy. Niềm vui quá lớn.
"Khi bệnh nhân ổn hơn, đến giai đoạn hồi phục, mọi người đều mừng. Riêng chúng tôi càng thấy lo lắng. Bởi lúc này, trách nhiệm thuộc về điều dưỡng rất lớn. Nếu bệnh nhân không may xảy ra điều gì…", chị Thi bỏ lửng câu nói. Sau đó, chị mỉm cười: "Nhưng may mắn là ông ấy đã khoẻ”.
Bác sĩ Trần Thanh Linh và nam phi công phơi nắng ngoài hành lang khoa Hồi sức cấp cứu. Ảnh: BVCC. |
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời điểm xác định mắc Covid-19, nam phi công nặng 100 kg. Sau quá trình điều trị, ông sụt 20 kg, người gầy hơn rất nhiều.
Buổi sáng hôm trước, điều dưỡng và kỹ thuật viên hỗ trợ phi công tập trị liệu. Ông than mệt, không muốn tập.
- Anh là phi công mà, anh phải cố gắng hơn nữa chứ?
- Anh còn nhớ anh đã hứa với tụi này điều gì không? Anh hứa sẽ chở tụi này trên chuyến bay do chính anh cầm lái không?
Như nhớ lại những lời hứa trước đây, ông gượng người dậy, tiếp tục tập luyện. Bác sĩ Linh đứng bên cạnh phi công cổ vũ, mỉm cười.