Sáng 6/2, trao đổi với Zing.vn, ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - cho hay gần 130 bệnh nhân chạy thận định kỳ tại bệnh viện đang được điều trị ổn định tại Hà Nội.
Trước đó, do sự cố xảy ra với 18 bệnh nhân (có 7 người tử vong) vào ngày 29/5, những bệnh nhân này không thể tiếp tục chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình. Trong thời gian chờ kết quả điều tra, những bệnh nhân này tạm thời được các bệnh viện Hà Nội tiếp nhận.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình . Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình Trần Quang Khánh, hiện Sở Y tế tỉnh đã thành lập Hội đồng chuyên môn gồm lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, bác sĩ điều trị, đại diện Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ Y Dược; đồng thời mời 4 chuyên gia đầu ngành để xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là bệnh viện đang có trên 100 bệnh nhân phải định kỳ chạy thận nhân tạo. Do đó, việc khoa Thận nhân tạo sớm hoạt động trở lại rất cần thiết. Dự kiến mất khoảng 10 ngày để khôi phục.
Ông Dương cho biết thêm từ ngày 30/5, hàng ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đều có xe đưa bệnh nhân chạy thận định kỳ xuống các bệnh viện ở Hà Nội.
“Bệnh nhân nào nội trú thì ở lại, bệnh nhân nào khỏe chúng tôi lại chở về. Đây là những người phải chạy định kỳ thận nhân tạo, chúng tôi đã hỗ trợ hết sức để không ảnh hưởng tới việc chữa trị của họ và đang nỗ lực hết mình để bệnh viện sớm trở lại bình thường”, ông Dương cho hay.
Tại Bệnh viện Thận Hà Nội - một trong 4 bệnh viện đang tiếp nhận bệnh nhân chạy thận định kỳ trên Hòa Bình - các bệnh nhân bày tỏ sự yên tâm và vui mừng vì được chạy thận tiếp. Trái ngược hoàn toàn với tâm lý hoang mang cách đây 3 ngày khi nghe tin có 18 bệnh nhân gặp phải sự cố.
Bệnh nhân Bùi Văn Diện (60 tuổi, Kim Bôi, Hòa Bình) có thâm niên chạy thận 7 năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhớ lại ngày xảy ra sự cố: “Hôm đó tôi có lịch chạy thận ca 2, ngay sau ca của 18 bệnh nhân xảy ra sự cố. Nhận được tin 18 bệnh nhân cùng có dấu hiệu bất thường và phải dừng mọi hoạt động chạy thận. Lúc đó tôi hoang mang lắm không biết sẽ phải chạy thận ở đâu. Bệnh nhân luôn phải tuân thủ đúng ngày giờ chạy thận nếu không sẽ rất nguy hiểm”.
Bệnh nhân ngày là người có sức khỏe yếu nhất phòng, nên sau khi chạy thận, phải ở lại bệnh viện.
“Hầu hết bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình xuống không có người nhà đi cùng nên chủ yếu tự chăm sóc nhau. Người khỏe giúp đỡ cho người yếu”, ông Diện nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân Hòa Bình đang tạm chuyển lên Hà Nội chạy thận. Ảnh: Hoàng Như. |
Dù được các y bác sĩ chăm sóc tận tình, cơm ăn miễn phí, nhưng ông vẫn mong muốn Bệnh viện Hòa Bình sớm xử lý được sự cố y khoa để về gần nhà.
Anh Nguyễn Văn Nam anh cũng là bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt chạy thận thứ 2 trong ngày xảy ra tai biến y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Khi sự cố xảy ra và không được chạy thận định kỳ, để bài tiết được lượng nước và chất độc trong cơ thể ra ngoài, anh Nam đã nghĩ ra cách xông hơi bằng một nồi nước to. Tuy nhiên, anh không thể ra bất kỳ giọt mồ hôi nào.
“Ngày hôm sau, biết tin được chuyển xuống Hà Nội điều trị, tôi rất vui mừng. Tại đây, mọi thứ rất tốt đẹp”, anh Nam cho biết.
Cũng như bác Diện, anh mong muốn sẽ sớm quay trở lại Hòa Bình để điều trị tiếp. “Dù điều kiện điều trị tại Hà Nội rất tốt, nhưng tôi vẫn mong muốn để về trên Hòa Bình điều trị. Tôi vẫn luôn tin tưởng vào khả năng của các bác sĩ”, anh Nam nói.
Theo ông Hà Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, nơi đây có 450 bệnh nhân chạy thận, để có thể tiếp nhận được các trường hợp từ Hòa Bình chuyển xuống, bệnh viện đã tăng ca (từ 3 lên 4 ca mỗi ngày). Trong đó, những bệnh nhân nhẹ hơn sẽ chuyển sang chạy thận ca 4 (từ 21h tối) để nhường cho bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống được chạy thận vào ban ngày.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.