Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã nhiễm những biến chủng nào?

Trong đợt bùng phát từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận nhiều ca bệnh nhiễm các biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Theo thông tin chính thức của Bộ Y tế, đợt bùng phát Covid-19 trong cộng đồng mới nhất là từ ngày 27/1, bắt đầu từ hai bệnh nhân tại Hải Dương và Quảng Ninh. Đến sáng 13/2, Việt Nam có 604 bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, Hải Dương là nơi có nhiều bệnh nhân nhất (430) người.

Đợt bùng phát này trở thành mối lo với ngành y tế bởi không rõ nguồn lây nhiễm và tốc độ phát hiện các ca bệnh mới trong cộng đồng rất nhanh. Chỉ tính riêng đợt bùng phát mới này, các bệnh nhân tại Việt Nam đã nhiễm một trong 3 biến chủng virus mới, đều là những chủng xuất hiện lần đầu tiên ở nước ngoài.

Biến chủng B117 từ Anh

Sáng 2/1, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Theo kết quả phân tích, đánh giá và giải trình tự gene của Viện Pasteur TP.HCM, BN1435 là người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 hay B117.

Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng virus gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G - chủng lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng. Ngày 29/1, người này khỏi bệnh và được xuất viện sau 4 lần âm tính với nCoV biến chủng virus mới.

Ngày 2/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết các nhà khoa học của họ đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của người mắc Covid-19.

Kết quả cho thấy các mẫu này đều có giải trình tự gene tương tự chủng virus B117 lần đầu được phát hiện tại Anh vào tháng 12/2020.

Trước đó, ngày 1/2, kết quả giải mã bộ gene virus SARS-CoV-2 của trên cơ thể bệnh nhân tại TP.HCM cũng cho kết quả tương tự. Kết quả này do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phối hợp Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford thực hiện.

bien chung virus moi anh 1

Các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Đức Anh.

Biến chủng B1351 từ Nam Phi

Ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân ở khu vực phía Bắc. Hầu hết ca bệnh này đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Kết quả một bệnh nhân nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Biến chủng này được khuyến cáo có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng khác. Chủng này được phân lập trên bệnh nhân là ca nhập cảnh vào Việt Nam. Ca bệnh được Bộ Y tế ghi nhận ngày 24/12/2020. Đó là bệnh nhân 1422 (25 tuổi, chuyên gia từ Nam Phi), được cách ly tại Hà Nội. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Trên thế giới, các chuyên gia y tế hàng đầu từng cảnh báo đột biến E484K trong biến chủng virus tìm thấy ở Nam Phi có thể kháng lại vaccine Covid-19.

bien chung virus moi anh 2

Một mẫu xét nghiệm axit nucleic được lấy từ nhân viên, tiếp viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi

Ngày 12/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM công bố kết quả giải trình tự gene của các ca bệnh là nhân viên bốc xếp Công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là chùm ca bệnh khởi phát sau khi ghi nhận BN1979. Kết quả cho thấy 3 mẫu gene đều thuộc chủng A.23.1. Đây là biến chủng virus mới, ghi nhận lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi và chưa từng xuất hiện tại Đông Nam Á trước đó.

Các nghiên cứu về biến chủng này vẫn khá ít ỏi. Một số đột biến nhất định trong biến chủng A.23.1 tương đồng với chủng virus B117 của Anh. Đó là P681H và E484K. Trong đó, nhờ đột biến P681H, A.23.1 có cơ chế hoạt động tương tự biến chủng virus của Anh.

Đặc biệt, đột biến E484K là loại đã từng được tìm thấy trong biến chủng ở Nam Phi và các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ lẩn tránh vaccine.

Theo số liệu của Sáng kiến ​​Toàn cầu về chia sẻ Dữ liệu Dịch cúm Gia cầm (GISAID), số ca nhiễm virus biến chủng A.23.1 chiếm tỷ lệ nhỏ. Hiện tại, 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân nhiễm biến chủng này. Trong đó, số bệnh nhân nhiều nhất là tại Anh (44 trường hợp).

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 604 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

Việt Nam thuộc số ít nơi có người nhiễm biến chủng virus từ châu Phi

Trên thế giới, số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca nhiễm biến chủng virus mới A.23.1 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dữ liệu về biến chủng này cũng rất ít ỏi.

Biến chủng SARS-CoV-2 ghi nhận tại TP.HCM nguy hiểm ra sao?

A.23.1 là biến chủng có chứa nhiều đột biến “đáng được quan tâm đặc biệt”. Sự lây lan ở Uganda đã chứng minh cho điều này.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm