Bất ngờ sau khi trở về nhà, nam thanh niên (24 tuổi) phát hiện mồ hôi của mình có màu đỏ nhạt mỗi khi làm việc nặng. Theo thời gian, các trang phục như áo, dép có màu trắng cũng chuyển dần sang đỏ.
Trước đó, bệnh nhân này cho biết mình thường xuyên mất ngủ, căng thẳng. Lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình, anh tìm đến nhiều cơ sở y tế để thăm khám nhưng không tìm ra vấn đề.
Chiếc áo trắng dần chyển màu đỏ do "mồ hôi máu". Ảnh: BSCC. |
Giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết: "Hiện tượng 'mồ hôi máu' rất hiếm và chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam. Hiện tại, thế giới chỉ có khoảng 200 ca bệnh được báo cáo trên y văn".
Theo GS Khang, hiện tượng này có tên khoa học là hematohidrosis, xuất hiện khi con người gặp những sang chấn tâm lý lớn hoặc stress nặng nề. Tình trạng này khiến mao mạch ở da giãn ra, các hồng cầu đi vào ống tuyến mồ hôi rồi trộn lẫn với mồ hôi trước khi thoát ra ngoài.
Sau khi thăm khám và nghĩ đến hiện tượng "mồ hôi máu", ông yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm đặc hiệu để tìm hồng cầu trong mồ hôi, đồng thời sinh thiết da để phân tích hình ảnh giải phẫu bệnh lý. Kết quả khẳng định chẩn đoán của bác sĩ là chính xác.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Quốc Vương. |
Ông Khang nhận định: "Điều quan trọng nhất trong điều trị là bệnh nhân phải được tư vấn về tâm lý, giải tỏa căng thẳng, áp lực và tránh stress kéo dài. Việc tiếp theo cần làm là cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc an thần, kết hợp các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, thể dục nhẹ nhàng, đi du lịch".
Sau một tháng điều trị, hiện tượng ra mồ hôi máu của bệnh nhân giảm dần. 3 tháng tiếp theo, các triệu chứng hết hẳn. Tuy nhiên, hiện tượng này lại tái phát một thời gian sau đó.
"Năm đầu tiên, tôi định kỳ khám cho bệnh nhân 2 tháng/lần. Năm thứ 2, tần suất tái khám còn 3 tháng/lần. Đến nay là năm thứ 3, tôi chỉ yêu cầu bệnh nhân một năm tới khám 2 lần. Qua theo dõi, hiện tượng ra 'mồ hôi máu' chỉ tái phát trong năm đầu tiên và đến nay chưa xuất hiện trở lại. Do đó, bệnh nhân có thể được khẳng định là đã khỏi hoàn toàn", Giáo sư Khang cho hay.
Việc bệnh nhân ổn định được tâm lý là nguyên nhân chính giúp hiện tượng này biến mất. Trong quá khứ, các trường hợp xuất hiện mồ hôi máu được y văn ghi nhận là tử tù trước khi ra pháp trường, người mất người thân và stress nặng,... Một số trường hợp thủy thủ ra khơi gặp bão thậm chí xuất hiện "nước mắt máu". Tuy nhiên, khi vượt qua hiểm nghèo, những người này lại trở về trạng thái bình thường.
Giáo sư Trần Hậu Khang nhận định những người ra "mồ hôi máu" thường bị stress trầm trọng hơn ban đầu vì hoang mang do cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám để nhận sự tư vấn, điều trị kịp thời của bác sĩ.