Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bệnh nhân được chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc

Các nhà nghiên cứu hôm 20/2 cho biết thêm một bệnh nhân HIV đã được chữa khỏi sau khi trải qua ca cấy ghép tế bào gốc đầy rủi ro.

chua khoi HIV anh 1

Người đàn ông 53 tuổi, mà các nhà khoa học gọi là “bệnh nhân Dusseldorf”, là người thứ 3 loại bỏ được virus gây bệnh AIDS nhờ phương pháp điều trị thử nghiệm.

Các bác sĩ cho biết người đàn ông không rõ danh tính đã ngừng sử dụng thuốc kháng virus trong 4 năm mà không tái phát.

Theo bác sĩ điều trị, gần một thập kỷ sau khi được cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng không có quan hệ huyết thống và hơn 4 năm sau khi kết thúc liệu pháp điều trị HIV, bệnh nhân Dusseldorf hiện có sức khỏe tốt.

Trước đó, hai bệnh nhân khác, được gọi là “bệnh nhân Berlin” và “bệnh nhân London” cũng tự thuyên giảm HIV khi điều trị ung thư máu, bằng phương pháp tương tự là cấy ghép tế bào gốc, theo Reuters.

chua khoi HIV anh 2

Hình ảnh về quá trình virus HIV (màu xanh lá cây) lây nhiễm một tế bào miễn dịch. Ảnh: CDC/New Scientist.

Chữa khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc

"Bệnh nhân Dusseldorf" được chẩn đoán dương tính với HIV vào năm 2008, theo New Scientist.

“Tôi vẫn nhớ rất rõ câu nói của bác sĩ lúc đó: ‘Đừng quá bi quan về nó. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra cách chữa khỏi HIV’", ông kể lại. “Vào thời điểm đó, tôi không tin và đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố này”.

“Bệnh nhân Dusseldorf” được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy vào tháng 1/2011, 6 tháng sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV.

Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở người lớn, với khoảng 3.000 người Anh và 20.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm.

Đây cũng là căn bệnh nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của 2.700 người ở Anh và 11.000 người ở Mỹ hàng năm.

Đến tháng 2/2013, “bệnh nhân Dusseldorf” được ghép tế bào gốc tạo máu, hay thường được gọi là ghép tủy (HSCT), và được giám sát bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế, đứng đầu là các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Dusseldorf.

Nó liên quan đến việc phá hủy các tế bào máu không khỏe mạnh của bệnh nhân và bổ sung chúng bằng những tế bào từ người hiến tặng.

Điều đáng chú ý là các bác sĩ phát hiện trong tế bào gốc tạo máu từ người hiến tặng có chứa đột biến vô hiệu hóa thụ thể CCR5 mà HIV sử dụng để lây nhiễm tế bào miễn dịch. Điều này vô tình trở thành một loại vaccine phòng bệnh AIDS.

chua khoi HIV anh 3

Một y tá trao dải ruy băng đỏ để đánh dấu Ngày Thế giới phòng chống AIDS, tại lối vào của Bệnh viện Emilio Ribas, ở Sao Paulo. Ảnh: Reuters.

Người đàn ông sau đó trải qua hóa trị liệu và được truyền các tế bào lympho của người hiến tặng. Đây là những tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Sau khi cấy ghép tế bào gốc, “bệnh nhân Dusseldorf” tiếp tục dùng liệu pháp kháng virus để ngăn virus nhân lên trong cơ thể.

Tuy nhiên, việc cấy ghép đã bất ngờ giúp hệ thống miễn dịch của "bệnh nhân Duseldorf" có thể kháng HIV. Các bác sĩ không phát hiện được sự tồn tại của HIV trong máu.

Vì vậy, ông đã ngừng uống thuốc hàng ngày vào tháng 11/2018 - sáu năm kể từ ngày cấy ghép tế bào gốc.

Ông tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bởi đội ngũ bác sĩ trong 4 năm nữa.

Hy vọng

Thông tin chi tiết về trường hợp trên, được công bố trên tạp chí Nature Medicine, cho thấy đến nay, bệnh HIV không tái phát. Bệnh nhân cũng không gặp phải tình trạng tăng cường phản ứng miễn dịch đối với virus - điều có thể xảy ra khi virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể.

Điều này cho phép nhóm y tế tuyên bố rằng "bệnh nhân Dusseldorf" đã thuyên giảm HIV.

Họ cho biết trường hợp trên cung cấp “bằng chứng mạnh mẽ” rằng ca cấy ghép đã chữa khỏi HIV cho người này.

"Hôm nay, tôi càng thêm tự hào về đội ngũ bác sĩ trên toàn thế giới - những người đã thành công trong việc chữa khỏi HIV cho tôi, cũng như bệnh bạch cầu”, “bệnh nhân Dusseldorf” chia sẻ.

'Vào ngày lễ tình nhân năm nay, tôi đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày ghép tế bào gốc tạo máu một cách hoành tráng. Người hiến tặng cho tôi có mặt với tư cách khách mời danh dự”, ông nói.

Người đàn ông cho biết ông đã quyết định dành một phần thời gian để hỗ trợ gây quỹ cho nghiên cứu về HIV, đồng thời chống lại sự kỳ thị đối với loại virus này bằng câu chuyện của mình.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị trong trường hợp của “bệnh nhân Dusseldorf” không được áp dụng cho tất cả 38 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới, vì đây là phương pháp chủ yếu để điều trị ung thư.

chua khoi HIV anh 4

"Bệnh nhân Berlin" Timothy Ray Brown được chữa khỏi HIV 16 năm trước. Ảnh: AP.

Việc cấy ghép có rủi ro cao chỉ được dùng khi điều trị những căn bệnh đe dọa tính mạng, theo Sky News.

Bởi trong quá trình này, có khả năng các tế bào được cấy ghép nhận ra các tế bào của bệnh nhân là "ngoại lai" và tấn công chúng. Phản ứng đe dọa tính mạng của bệnh nhân khi ghép tế bào tạo máu được gọi là bệnh ghép chống chủ.

Đội ngũ y tế điều trị cho “bệnh nhân Dusseldorf” chia sẻ báo cáo của họ được đúc kết sau một quá trình theo dõi, chẩn đoán lâu nhất và chính xác nhất đối với bệnh nhân nhiễm HIV được cấy ghép tế bào gốc.

Họ hy vọng trường hợp này sẽ cung cấp điểm khởi đầu để lập kế hoạch cho những nghiên cứu trong tương lai về phương pháp chữa trị HIV.

“Sau nghiên cứu chuyên sâu, giờ đây chúng tôi có thể xác nhận rằng về cơ bản, có thể ngăn chặn sự nhân lên của HIV trên nền tảng vững chắc bằng cách kết hợp hai phương pháp chính”, tiến sĩ Björn Jensen, tác giả nghiên cứu, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Dusseldorf, cho biết.

"Một mặt, kho chứa virus trong các tế bào miễn dịch đã tồn tại lâu dài có thể suy giảm. Mặt khác, việc chuyển khả năng kháng HIV từ hệ thống miễn dịch của người hiến sang người nhận giúp đảm bảo virus không có cơ hội lây lan”, ông nói.

"Hiện cần nghiên cứu thêm về cách thức thực hiện bên ngoài các điều kiện khuôn khổ hẹp mà chúng tôi mô tả”, ông cho biết.

Người đàn ông ở Dusseldorf là người thứ 3 được chữa khỏi HIV sau khi được các bác sĩ cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu. Hơn một thập kỷ trước đó, phương pháp tương tự được sử dụng để chữa khỏi HIV cho “bệnh nhân Berlin”, Timothy Ray Brown.

Ông Brown, đến từ Seattle, Washington, được chẩn đoán nhiễm HIV khi sống ở thủ đô nước Đức vào năm 1995.

Sau khi phát triển bệnh bạch cầu cấp dòng tủy vào năm 2007, ông được cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng có khả năng kháng HIV tự nhiên.

Giống như bệnh nhân Dusseldorf, sau đó ông có thể ngừng uống thuốc kháng virus.

Ông Brown không nhiễm HIV trong suốt quãng đời còn lại, mặc dù ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2020 sau khi bệnh bạch cầu quay trở lại và lan đến não cùng tủy sống.

Cùng năm đó, bệnh nhân ở London, Adam Castillejo, đã trải qua một phương pháp điều trị tương tự để loại bỏ HIV.

Một phương pháp khác đang được nghiên cứu là chỉnh sửa gene, để biến đổi gene CCR5 có trong hệ miễn dịch của những người dương tính với HIV.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Người thứ ba được chữa khỏi HIV

Một người đàn ông ở Dusseldorf, Đức trở thành người thứ ba được chữa khỏi HIV sau khi được các bác sĩ cấy ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh bạch cầu.

Thêm hai người được tuyên bố khỏi HIV

Các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha vừa công bố thêm trường hợp được chữa khỏi và một trường hợp tự khỏi HIV, đem lại hy vọng cho người bệnh trên toàn thế giới.

Minh An

Bạn có thể quan tâm