TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - người trực tiếp điều trị cho 2 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng: "Hiện nay chúng ta chỉ mới hiểu được 70-80% về SARS-CoV-2 và những hiểu biết này thay đổi theo từng giai đoạn. Diễn biến dịch bệnh vẫn bất thường, nếu chủ quan chúng ta cũng có thể vỡ trận bất cứ lúc nào".
Con người nhiễm virus corona chủng mới như thế nào?
- Virus corona chủng mới là gì?
- Virus corona chủng mới là loại virus chưa từng được phát hiện, khác với các chủng corona đã từng biết trước đây thường gây ra bệnh nhẹ, giống như cảm lạnh thông thường (ngoại trừ SARS và MERS CoV). Virus corona chủng mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp - 2019 (Covid-19).
Dựa trên cấu trúc di truyền, khả năng gây bệnh và phân biệt với chủng khác, Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên cho chúng là SARS-CoV-2.
- Vì sao số lượng người mắc bệnh tăng rất nhanh?
- SARS-CoV-2 lây lan từ người sang người chủ yếu thông qua các giọt bắn từ đường hô hấp được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Những giọt bắn này có thể vương vào miệng hoặc mũi của những người tiếp xúc gần với nhau (trong khoảng 2 m).
Có những nghiên cứu cho rằng ở vùng có khí hậu lạnh và độ ẩm cao (như có sương mù), một số người có thể bị nhiễm do hít virus lơ lửng trong không khí vào phổi. Điều này cho thấy đeo khẩu trang cho mọi người là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh hữu hiệu và cần thiết.
Con đường thứ hai dẫn đến sự lây truyền bệnh là tay người lành tiếp xúc với chất tiết có chứa virus của người nhiễm bệnh đào thải ra môi trường xung quang, sau đó tay họ quẹt lên mũi, miệng dẫn tới bị lây bệnh.
Trong trường hợp mọi người trong xã hội đều tuân thủ việc đeo khẩu trang thì con đường lây truyền bệnh thứ hai này lại trở thành đường lây truyền bệnh chủ yếu. Do đó việc rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh quan trọng không kém đeo khẩu trang.
Vấn đề đáng ngại là cho tới nay người ta đã chứng minh được SARS-CoV 2 dễ lây nhiễm từ người sang người hơn so với virus cúm mùa và thời gian có khả năng truyền bệnh từ người bị nhiễm sang người lành cũng kéo dài hơn cúm.
Điều này giải thích vì sao số lượng người mắc bệnh Covid-19 hiện nay tăng rất nhanh trong một số quốc gia không thực hiện nghiêm ngặt việc phòng ngừa nhiễm bệnh của mỗi người dân.
Hình ảnh phóng đại của virus corona. Ảnh: CDC/Dr. Fred Murphy. |
- Có tái nhiễm hay tái phát bệnh Covid-19 không? Tại sao người khỏi bệnh lại dương tính trở lại?
- Chưa có dữ liệu khoa học nào xác định được khả năng tái nhiễm hay tái phát Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Sự thuyên giảm của các triệu chứng bệnh liên quan chặt chẽ với sự suy giảm khả năng phát tán RNA của virus mặc dù sự phát tán này có thể tiếp tục tồn tại trong vài ngày đến vài tuần.
Đây có thể là nguyên nhân chính kết hợp với nguyên nhân thứ yếu (là khả năng xét nghiệm của từng cơ sở y tế) dẫn tới kết quả xét nghiệm lúc âm lúc dương trong thời gian lui bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện RNA trong quá trình hồi phục không nhất thiết chỉ ra sự hiện diện của virus có khả năng truyền bệnh.
Việc phát hiện kháng thể IgM/IgG trong quá trình bệnh thoái lui là dấu hiệu cho sự phát triển của hệ miễn dịch và tiên lượng khả năng hồi phục của người bệnh.
- Virus có thể lây bệnh qua thực phẩm, tiền giấy… không?
- Hiện tại, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho việc lây truyền Covid-19 liên quan đến thực phẩm. Tuy nhiên một người có thể mắc Covid-19 khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật, như bao bì đóng gói có virus trên đó và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.
Do vậy, trước khi chuẩn bị đồ ăn hoặc ăn uống, điều quan trọng là phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung.
- Thời tiết nóng có ngăn chặn được sự bùng phát bệnh không?
- Mặc dù coronavirus ưa thích sống trong môi trường nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, chúng ta vẫn chưa biết liệu thời tiết và nhiệt độ có ảnh hưởng đến sự lây lan của Covid-19 như thế nào.
Một số quốc gia ở vùng Trung đông có khí hậu nóng nhưng số người nhiễm bệnh vẫn tăng rất cao. Còn rất nhiều thứ cần được tìm hiểu về khả năng lây truyền, tính chất nghiêm trọng và các đặc tính khác liên quan tới SARS-CoV-2. Hiện tại, các cuộc nghiên cứu vẫn tiếp diễn.
Cơ thể thay đổi như thế nào khi nhiễm SARS-CoV-2?
- Lây lan bệnh trong cộng đồng là gì?
- Lây lan trong cộng đồng nghĩa là nhiều người bị lây nhiễm virus trong một khu vực, bao gồm cả một số đối tượng không biết rõ họ đã bị lây nhiễm ở đâu và bằng cách nào.
- Triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19?
- Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Covid-19 tại thời điểm khởi phát bệnh khác nhau. Tuần tự là:
Sốt (83 - 99%)
Ho khan (59-82%)
Mệt mỏi (44-70%)
Chán ăn (40-84%)
Khó thở (31-40%)
Ho đờm (28-33%)
Đau cơ (11-35%)
Tuy nhiên, các triệu chứng kể trên sẽ có thể lần lượt xuất hiện trong quá trình bệnh với các mức độ khác nhau.
Ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh nền kèm theo, các triệu chứng sốt và viêm đường hô hấp có thể khởi phát chậm hơn người trẻ, khỏe. Một số người mắc Covid-19 có các triệu chứng tiêu chảy và buồn nôn trước khi xuất hiện sốt và các triệu chứng đường hô hấp.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Covid-19 ở trẻ em tương tự người lớn nhưng thường nhẹ hơn so với người lớn.
81% bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ đến trung bình. Ảnh: Việt Hùng. |
- Thế nào là người nhiễm virus không triệu chứng và tiền triệu chứng?
- Một số nghiên cứu đã ghi nhận tại thời điểm xét nghiệm có một số người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng bệnh.
Tiếp tục theo dõi người ta nhận thấy những bệnh nhân này này thuộc vào một trong hai trường hợp sau: nhiễm virus nhưng không bao giờ xuất hiện các triệu chứng (người bị nhiễm nhưng không phát bệnh) và nhiễm virus tiền triệu chứng (vào thời điểm xét nghiệm chưa có triệu chứng nhưng sau đó các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện, nói cách khác đây là những người nhiễm virus đang trong giai đoạn ủ bệnh). Cơ chế của người nhiễm virus không phát bệnh vẫn chưa được hiểu rõ.
- Người nhiễm virus không triệu chứng và tiền triệu chứng có truyền bệnh không?
- Các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh người nhiễm virus tiền triệu chứng và người nhiễm virus không có triệu chứng có khả năng lây truyền bệnh. Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng là luôn tồn tại thậm chí là rất lớn kể cả khi không phát hiện được bệnh nhân mới trong cộng đồng trong khoảng vài tuần.
Khả năng phát tán virus tại thời điểm khởi phát bệnh được cho là mạnh nhất và sẽ giảm dần trong vài ngày đến vài tuầnsau đó. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền SARS-CoV-2 trong cộng đồng ở người nhiễm virus không triệu chứng/ tiền triệu chứng so với người nhiễm virus có triệu chứng chưa được biết rõ.
3 mức độ bệnh do SARS-CoV-2 gây ra
- Người mắc Covid-19 có diễn tiến bệnh như thế nào?
- Một nghiên cứu với số bệnh nhân lớn nhất (> 44.000 người) tại Trung Quốc cho thấy bệnh có các thể từ nhẹ đến nguy kịch, trong đó: Thể nhẹ đến trung bình (triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nhẹ) chiếm 81%; Nặng (khó thở, thiếu oxy, tổn thương phổi nhiều) chiếm 14%; Nguy kịch (suy hô hấp, sốc hoặc rối loạn chức năng hệ thống đa cơ quan) chỉ chiếm 5%.
Trong nghiên cứu này, tất cả trường hợp tử vong đều xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh nền. Tỷ lệ tử vong chung là 2,3% nhưng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân có bệnh nền lên tới 49%. Ở trẻ em, mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn với 94% số bệnh nhi không có triệu chứng, bệnh nhẹ hoặc trung bình, 5% mắc bệnh nặng và <1% mắc bệnh nguy kịch.
- Mất bao lâu người bệnh có thể diễn tiến nặng?
- Trong số những bệnh nhân mắc bệnh nặng, thời gian trung bình từ khởi phát bệnh tới khó thở dao động từ 5-8 ngày. Thời gian trung bình dẫn tới hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) dao động từ 8-12 ngày. Do vậy, chúng ta cần chú ý tới khả năng tình trạng bệnh có thể xấu đi nhanh sau một tuần kể từ khi phát bệnh.
Trong số tất cả bệnh nhân khoảng 20-42% bệnh nhân phải nhập viện, khoảng 3-17% tiến triển nặng thành suy hô hấp cấp (ARDS). Tỷ lệ tử vong trong số các bệnh nhân phải nhập khoa Hồi sức cấp cứu dao động từ 39-72% tùy theo từng quốc gia và cơ sở y tế. Thời gian khỏi bệnh trung bình là 10-13 ngày.
- Hai yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng?
- Tuổi là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Trong số hơn 44.000 trường hợp được xác nhận Covid-19 ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong cao nhất thuộc nhóm người lớn tuổi. Cụ thể, nhóm ≥80 tuổi có tỷ lệ tử vong là 14,8%, nhóm 70-79 tuổi: 8,0%, nhóm 60-69 tuổi: 3,6%, nhóm 50-59 tuổi: 1,3%, nhóm 40-49 tuổi: 0,4%, nhóm <40 tuổi: 0,2% .
Dữ liệu dịch tễ học ban đầu của Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong cao nhất ở những người ở độ tuổi ≥85 tuổi với tỷ lệ tử vong là 10-27%, tiếp theo là 3%-11% cho độ tuổi 65-84, 1%-3% cho độ tuổi 55-64 và <1% cho lứa tuổi ≤54 tuổi.
Yếu tố nguy cơ quan trọng thứ hai là người có bệnh nền mạn tính. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ở người không có bệnh nền là 0,9%, nhưng tỷ lệ này tăng lên tới 10,5% ở những người mắc bệnh tim mạch, 7,3% ở người mắc bệnh tiểu đường và khoảng 6% ở người mắc bệnh hô hấp mạn tính.
Ngoài ra, tăng huyết áp và ung thư, bệnh tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính và bệnh thận mạn tính đều có liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những nghiên cứu tại Mỹ cũng cho kết quả thống kê tương đồng.
- Các biến chứng nặng của bệnh gồm những vấn đề gì?
- Các biến chứng phổ biến nhất của Covid-19: viêm phổi, suy hô hấp cấp, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Gần đây nhiều báo cáo cho thấy Covid-19 không những chỉ gây ra tổn thương cho hệ hô hấp mà còn gây tổn thương ở nhiều cơ quan quan trọng khác như: viêm cơ tim và rối loạn nhịp tim, tổn thương thận cấp, tổn thương hệ thần kinh trung ương, viêm đa dây thần kinh, bệnh cơ nghiêm trọng, xuất huyết tiêu hóa…
Cơ chế là do SARS-CoV-2 ưa thích gắn kết và xâm nhập vào các tế bào niêm mạc mang thụ thể ACE2 và phá hủy chúng. Các tế bào này lại hiện diện ở rất nhiều các cơ quan nội tạng như hệ hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, tim mạch… Do vậy, khi các tế bào này bị tổn thương sẽ dẫn tới biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan tương ứng.
Đặc biệt rối loạn đông máu và tạo cục máu đông trong lòng mạch máu là một biến chứng nặng khác mới được xác định trong bệnh Covid-19. Hậu quả là tắc mạch ở nhiều cơ quan dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của người bệnh. Ví dụ tắc mạch máu não dẫn tới đột quỵ não ở người trẻ, tắc mao mạch phổi dẫn tới suy hô hấp mà không liên quan tới tổn thương phổi…
Realtime PCR là phương pháp xét nghiệm chủ yếu khẳng định SARS-CoV-2. Ảnh: Việt Linh. |
Xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2
- Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán xác định bệnh?
Xét nghiệm Realtime PCR:
Là loại xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh dựa trên nguyên tắc phát hiện đoạn gene RNA của SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm vùng mũi họng cho khả năng phát hiện SARS-CoV-2 tốt hơn các mẫu bệnh phẩm vùng hầu họng.
Mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới cũng cho khả năng phát hiện virus tốt hơn mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên. SARS-CoV-2 cũng có thể phát hiện trong phân và máu. Phát hiện virus trong máu có thể là dấu hiệu tiên lượng bệnh nặng. Sự phát tán virus có thể tồn tại lâu hơn (12 - 20 ngày) ở người già và người bị bệnh nặng phải nhập viện.
Việc đồng nhiễm SARS-CoV-2 và các virus đường hô hấp khác đã được báo cáo. Do vậy, việc phát hiện tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác vẫn chưa thể loại trừ nhiễm Covid-19.
Hình ảnh học:
Tổn thương mô kẽ hai bên thành ngực và vùng đáy hai phổi là hình ảnh X-quang khá điển hình của bệnh nhân mắc Covid-19 mặc dù trong giai đoạn sớm của bệnh hình ảnh X-quang phổi đa số là bình thường.
Hình ảnh CT ngực ở bệnh nhân Covid-19 thường cho thấy tổn thương dạng kính mờ, lát đá ở vùng rìa thành ngực, vùng đáy và mặt lưng hai phổi. Tuy nhiên kết quả những hình ảnh đó có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác và rất phụ thuộc vào cách đọc của từng bác sĩ X-quang riêng lẻ. Do đó giá trị chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh X quang/ CT ngực không cao và không được khuyến cáo dùng để chẩn đoán Covid-19.
Xét nghiệm khác:
Giảm bạch cầu Lympho là triệu chứng cận lâm sàng thường thấy nhất trong bệnh Covid-19, có ở 83% bệnh nhân nhập viện. Tình trạng giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng cao alanine aminotransferase và aspartate aminotransferase trong huyết thanh, tăng nồng độ lactate dehydrogenase, tăng CRP có thể liên quan đến mức độ nặng của bệnh.
Tăng D-dimer và giảm bạch cầu có liên quan đến tỷ lệ tử vong của bệnh. Procalcitonin thường trong giới hạn bình thường tại thời điểm nhập viện nhưng có thể tăng trong số những người phải nhập ICU. Bệnh nhân mắc bệnh mức độ nặng/nghiêm trọng có nồng độ các cytokine trong huyết tương tăng cao cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch tiềm tàng.
- Covid-19 ở phụ nữ mang thai?
- Cũng như trong bất cứ bệnh truyền nhiễm nào, phụ nữ mang thai là đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 mức độ nặng. Tuy nhiên, trong thực tế, số phụ mữ mang thai mắc bệnh Covid-19 rất ít do vậy cần phải thu thập thêm số liệu để tìm hiểu thêm.
Không có bằng chứng mẹ có thể truyền bệnh cho con qua nhau thai hay sữa mẹ. Trường hợp trẻ sơ sinh mắc Covid-19 là do tiếp xúc gần với mẹ bị nhiễm bệnh. Tại thời điểm này, chúng tôi không thấy tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Dị tật thai nhi và nguy cơ sảy thai do ảnh hưởng trực tiếp bởi SARS-CoV 2 là chưa được biết.