Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân HIV bị lở loét toàn thân

"Đây là trường hợp khó và độc nhất trong lâm sàng do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân vốn đã bị rối loạn vì nhiễm HIV nay lại có thêm ảnh hưởng", bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng nhận định.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu (TP.HCM), cho biết bệnh nhân nam, 39 tuổi, đến khám trong tình trạng lưng, vai, đầu nổi nhiều bóng nước to, đau nhức.

Bệnh nhân này đã nhiễm HIV 20 năm. Hai năm gần đây, bệnh nhân bị nổi mụn nước nhỏ, gây ngứa. Những mụn nước này xuất hiện nhiều ở vai, sau đó, lan ra lưng. Người đàn ông này tự mua thuốc để bôi nhưng không khỏi.

Sau đó, bệnh nhân đi khám và điều trị ở phòng khám tư. Tình trạng mụn nước lúc giảm, lúc tăng. Trước khi nhập viện một tuần, cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều bóng nước to lan khắp lưng, vai, đầu, mặt và tứ chi.

Benh bong nuoc tu mien va HIV anh 1

Toàn thân bệnh nhân nổi các bóng nước to gây lở loét, đau rát. Ảnh: BSCC.

"Vừa tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi lập tức thực hiện các xét nghiệm và phát hiện người này mắc viêm gan C mạn tính, nhiễm trùng nhẹ. Có thể nói đây là trường hợp khó và độc nhất trong lâm sàng do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân vốn đã bị rối loạn vì nhiễm HIV nay lại ảnh hưởng thêm", bác sĩ Hoàng nói.

Phó trưởng khoa Lâm sàng 2 nhận định bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch toàn thân lâu dài nhằm khống chế bệnh lý bóng nước tự miễn. Khi đó, bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao. HIV cũng tiến triển nhanh hơn.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Hoàng, hầu hết bệnh nhân nhiễm bệnh lý bóng nước tự miễn kèm HIV có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bác sĩ Hoàng phải hội chẩn với các đồng nghiệp chuyên khoa nhiễm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Sau một tháng điều trị, tình trạng bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, người này phải xuất viện vì không thể tiếp tục điều trị nội trú. Dù vậy, bác sĩ Hoàng vẫn theo dõi bệnh nhân và yêu cầu tái khám thường xuyên. Đến nay, bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn.

"Xuất viện chưa phải là dấu chấm hết cho căn bệnh này. Bệnh nhân chắc chắn sẽ tái phát và cần được theo dõi sát. Chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách chữa trị hoàn toàn. Đây mới chỉ là một phần của quá trình điều trị và còn nhiều vấn đề cần làm rõ", bác sĩ Hoàng nhận định.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, 87% người mắc HIV và bệnh lý bóng nước từ miễn cùng lúc là nam giới, độ tuổi khoảng 40. Trong số 23 trường hợp nhiễm bệnh, một người tự hồi phục. Số người thuyên giảm là 19 và 2 bệnh nhân tử vong. Các trường hợp còn lại bác sĩ không thể theo dõi.

Theo bác sĩ Hoàng, mối liên quan giữa nhiễm HIV và rối loạn chức năng miễn dịch của cơ thể là chủ đề được quan tâm. Hiện nay, thế giới có 38 triệu người nhiễm HIV. Các báo cáo về bệnh lý tự miễn ở bệnh nhân HIV cũng ngày càng gia tăng.

Bóng nước tự miễn (AIBDs) là nhóm nhiều bệnh lý khác nhau. Các trường hợp AIBDs xuất hiện trên bệnh nhân HIV rất hiếm gặp nhưng số lượng được báo cáo đang tăng dần.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân HIV đều có biểu hiện bệnh bóng nước trên lâm sàng. Dù AIBDs từng được báo cáo xuất hiện trước, sau hay đồng thời với chẩn đoán HIV, phần lớn bệnh nhân nhiễm HIV thường xuất hiện AIBDs trước. Đến nay, cơ chế bệnh sinh của AIBDs trong các trường hợp nhiễm HIV vẫn chưa rõ ràng.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm