Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam 64 tuổi, có tiền sử viêm gan B, điều trị thuốc kháng virus thường xuyên một năm nay. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết trên nền xơ gan, suy gan và suy thận. Các bác sĩ đã hội chẩn gấp và đánh giá chỉ thay huyết tương mới có thể cải thiện tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân cũng như ngăn chặn suy gan, tiến triển nhanh thành hôn mê gan.
Bệnh nhân được thực hiện thay huyết tương 2 lần với số lượng cần sử dụng lên tới 24 đơn vị. Do lượng chế phẩm huyết tương khá nhiều, cần trong thời gian gấp nên cán bộ y tế của bệnh viện này trực tiếp đến Viện Huyết học và Tuyền máu Trung ương nhận chế phẩm máu, kịp thời phục vụ quá trình cấp cứu cho bệnh nhân. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, tình trạng đông máu tốt.
Bệnh nhân được thực hiện thay huyết tương 2 lần với số lượng cần sử dụng lên tới 24 đơn vị. Ảnh: Công Thắng. |
Trước đó, một bệnh nhân nam 54 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cấp cứu vì nôn ra máu. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng trên nền bệnh xơ gan, viêm gan B. Sau đó, ý thức bệnh nhân giảm đi nhanh chóng và bị hôn mê gan. Đây là biến chứng nặng của bệnh nhân có bệnh lý về gan, tỷ lệ tử vong cao lên đến trên 90% nếu không được điều trị tích cực từ đầu.
Ngay lập tức, bệnh nhân được thay huyết tương với các đơn vị chế phẩm huyết tương do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cung cấp. Tình trạng bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, ý thức cải thiện rõ rệt qua các lần thay huyết tương. Sau hơn 3 tuần nằm viện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Đây là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào tương tự. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy lọc. Trong quá trình thay huyết tương, bệnh nhân thường cần sử dụng số lượng lớn huyết tương - một loại chế phẩm máu được điều chế từ máu do người khỏe mạnh hiến tặng. Máu toàn phần sẽ được điều chế thành nhiều chế phẩm khác nhau như khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương.