Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, cho biết vừa chữa nang thận bằng phương pháp chọc hút cho bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, ở quận 10) mà không cần phẫu thuật.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện tình trạng nang thận trái phát triển lớn gần 10 cm chèn ép các cơ quan nội tạng khác, có nguy cơ vỡ gây nhiễm trùng hoặc biến chứng suy thận. Sau 5 tháng được chọc hút, dẫn lưu, hiện nang thận của bà đã giảm kích thước còn 1,3 cm.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc bệnh viện, thủ thuật chọc hút, dẫn lưu liên tục để lấy dịch nang thận ra khoang sau phúc mạc qua ống thông JJ là phương pháp điều trị không cần phẫu thuật.
Bác sĩ đang thực hiện chọc hút nang thận cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Khi dịch thoát được, phần bao quanh nang sẽ xẹp xuống và dính sát đáy nang. Sau 6 tháng dịch trong nang thận sẽ được xử lý dứt điểm, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu. Đây là cơ sở y tế đầu tiên thực hiện phương pháp này.
Đặc biệt, thủ thuật này rất đơn giản, chỉ cần có máy siêu âm và một số dụng cụ y khoa cơ bản các bác sĩ ngoại niệu đều có thể thực hiện được. Chỉ mất 15-30 phút, bác sĩ đã thực hiện xong ca chọc hút cho bệnh nhân.
Do nằm trong các danh mục được bảo hiểm y tế chi trả (trừ ống thông JJ), nên giá thành chữa trị bệnh rất rẻ. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế chỉ phải trả 2 triệu đồng (phương pháp cũ tốn hơn 10 triệu đồng).
“Sắp tới, Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ có các báo cáo khoa học, đề xuất ngành y tế phê duyệt vào danh mục kỹ thuật mới với kỳ vọng thủ thuật trên sẽ được nhân rộng ra cả nước, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế”, bác sĩ Phú nói.
Nang thận là tổn thương thận dạng nang, hình thành từ nhu mô thận. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, tăng dần theo tuổi: 0,22-0,55% ở trẻ em, 20% ở tuổi 40, 33% (60 tuổi) và khoảng 40% (trên 80 tuổi). Nang thận khi nhỏ thường không có triệu chứng, nhưng khi nang to sẽ gây đau ở vùng hông lưng có nang, tiểu máu, tăng huyết áp, thận ứ nước do nang chèn ép vào hệ thống đài bể thận. Những bệnh nhân bị nang to (từ 6 cm trở lên), hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng và gây chèn ép bế tắc đường niệu, thường được chỉ định phẫu thuật để điều trị.