Theo đơn khiếu nại của bà Phan Thị Thúy P. (53 tuổi, ngụ Giồng Riềng - Kiên Giang), sự việc diễn ra vào ngày 22/11, bà P. nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật điều trị bệnh sỏi túi mật. Tuy nhiên, bệnh nhân cho rằng bà bị các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy “mổ sống như thời Trung Cổ” vì gây mê không hiệu quả, phải chịu đau đớn suốt cuộc phẫu thuật.
Mổ sống sau khi vỡ lọ thuốc gây mê?
Trao đổi với Zing.vn ngày 3/12, chị Cao Thị Anh Đào (con gái bệnh nhân P.) cho biết sức khỏe bà P. đã ổn định nhưng tinh thần vẫn hoảng loạn, không thể ngủ được vì sợ.
Theo đơn trình bày của bệnh nhân P., khi được đưa vào phòng mổ, bà được nhân viên y tế chích một mũi thuốc gây mê. Sau đó, bà P. vô tình đạp trúng khay thuốc khiến các lọ thuốc bị vỡ khi rơi xuống sàn nhà. Các nhân viên y tế đã quét dọn mảnh vỡ của lọ thuốc sau đó bác sĩ bắt tay vào cuộc mổ.
“Tôi nằm đó, dù nghe rất rõ những lời bác sĩ nói nhưng không thể mở mắt và vùng vẫy gì. Tôi cảm nhận được nó làm tôi đau đến cùng cực, cơn đau nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi khiến tôi không thể chịu nổi.
Tôi dùng dường như toàn bộ hơi sức cuối cùng của mình gồng lên thật mạnh, miệng cố gắng la lên thật lớn với hy vọng bác sĩ có thể nghe thấy hoặc cảm thấy sự bất thường của tôi và có thể tạm dừng ca phẫu thuật đau đớn này lại. Nhưng hoàn toàn vô vọng, vì miệng, tay, chân tôi cứng như đổ chì”, bà P. thuật lại.
Sau khi xong ca mổ, bà P. đã kể lại toàn bộ sự việc cho gia đình và các bác sĩ nghe. "Lúc này cả hai bác sĩ mới giật mình và cả hai bác sĩ cũng công nhận những lời hai bác nói trong ca phẫu thuật là giống như tôi kể. Họ còn công nhận trong ca phẫu thuật bác sĩ đã thấy tôi gồng người nhưng cả hai bác sĩ đã bỏ qua những biểu hiện bất thường của tôi và giải thích là máy đo trong phòng mổ không có báo bất thường nên họ vẫn tiếp tục ca mổ, để tôi chịu đau đớn và sợ hãi tột độ trong ca mổ", bà P. nói trong đơn.
Gia đình cho biết sau ca mổ, toàn bộ ê-kíp phẫu thuật có liên quan tới lọ thuốc bị vỡ đã đến xin lỗi người bệnh.
Ngày 24/11, người thân gia đình chị Anh Đào được mời lên làm việc với lãnh đạo khoa Gan Mật Tuỵ. Sau nhiều lần làm việc với lãnh đạo bệnh viện, tại đây, các bác sĩ đã xin lỗi và đề nghị hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ nhưng không nhận được sự đồng thuận của gia đình.
"Tôi có thấy thông tin bệnh viện phản hồi trên các báo. Tuy nhiên, gia đình tôi không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ phía bệnh viện. Chúng tôi đề nghị làm rõ những sai sót trong ca mổ ngày 21/11 và tại sao mẹ tôi lại đau đớn như vậy. Hơn nữa, chúng tôi chủ động đi mổ chứ không xin tiền hỗ trợ. Do đó, tôi chỉ yêu cầu bệnh viện bồi thường những tổn thất sức khỏe, tinh thần cho mẹ tôi chứ không phải là hỗ trợ", chị Anh Đào nói.
"Bác sĩ đã đánh giá đúng độ mê"
Theo Tiền Phong, PGS.TS.BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngày 26/11, đơn vị này đã tiến hành họp hội đồng chuyên môn để xem xét và kết luận vụ việc.
Theo bệnh viện, đến ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân có các chỉ số sinh tồn bình thường trên lâm sàng, bệnh nhân được đánh giá có thể xuất viện. Như vậy đây là một ca mổ thành công, không tai biến trong và sau mổ, đúng quy trình, đã được hoàn thành tốt đẹp.
Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định ca phẫu thuật thành công và đánh giá đúng độ mê. Ảnh minh họa: Liêu Lãm. |
Theo kết luận của hội đồng chuyên môn bệnh viện, lọ thuốc nhân viên y tế làm vỡ là thuốc cầm máu (Cyclonamin, trị giá 24.000 đồng). Đây là sự cố nhỏ, không liên quan đến cuộc gây mê, phẫu thuật cho bệnh nhân. Theo quy định của bệnh viện, với sự cố ngoài ý muốn trên nhân viên phòng mổ đã giữ lại vỏ lọ thuốc, báo cáo cho khoa đổi lọ thuốc khác.
Bệnh viện cho rằng kíp mổ đã thực hiện gây mê cân bằng cho người bệnh gồm giai đoạn tiền mê (chích thuốc probofol) sau đó gây mê bằng khí mê duy trì.
Việc tiền mê bằng thuốc truyền tĩnh mạch có thể gây cảm giác đau cho bệnh nhân kéo dài hoặc thoáng qua tùy theo tốc độ và thời gian truyền thuốc. Bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân mê đúng độ cho phép trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật.
Đại diện bệnh viện khẳng định quá trình gây mê và tiến hành mổ nội soi ổ bụng có bơm hơi làm căng chướng bụng, giãn cơ chủ động nên thông tin cho rằng bác sĩ đã “mổ sống” là không có cơ sở.
Điều này được thể hiện qua bảng dấu hiệu sinh tồn và lâm sàng của bác sĩ gây mê, bệnh nhân luôn được duy trì ở mức bình thường, không có biến đổi. Liều lượng thuốc khởi mê trong khi phẫu thuật và hậu phẫu là thích hợp. Tại hậu phẫu, bệnh án ghi nhận bệnh nhân còn trong tình trạng mê.
“Đau trong bệnh nhân gây mê có thể xảy ra và tùy theo ngưỡng chịu đau của mỗi người. Chỉ có gây mê đạt đủ độ thì bác sĩ mới có thể mổ được cho bệnh nhân nếu không cơ thể người bệnh sẽ có những phản ứng bất lợi cho cuộc mổ. Ca nội soi cắt túi mật cho người bệnh diễn ra thuận lợi, thành công”, đại diện bệnh viện khẳng định.
Một bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết gây mê cho bệnh nhân đạt được độ mê nhất định, bác sĩ mới có thể tiến hành các thao tác phẫu thuật được.
“Việc bệnh nhân cảm thấy đau khi mổ là chuyện không phải hiếm. Khi đó, một số bệnh nhân vẫn nhận thức và cảm giác được cuộc mổ. Y văn thế giới đã ghi nhận một số trường hợp tương tự. Điều này phụ thuộc vào ngưỡng chịu đau và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu không đạt được độ mê, phẫu thuật viên không thể thao tác dụng cụ trong ổ bụng của bệnh nhân được”, bác sĩ này nói.