Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhân ung thư phải trả giá vì chữa bệnh theo lời đồn

Không điều trị theo phác đồ, bệnh nhân ung thư vú làm theo chia sẻ trên mạng xã hội. Chị ăn gạo lứt, đắp thuốc vào khối u với niềm tin "khỏi bệnh 100%".

Nhiều năm gắn bó với bệnh nhân, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, không khỏi trăn trở khi hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân cấp cứu sau khi ăn thực dưỡng.

Sự hối hận muộn màng

Mới đây, bác sĩ Hùng tiếp nhận là một người phụ nữ bị bệnh ung thư vú, với khối u còn nhỏ. Do đó, cơ hội điều trị là rất lớn. Thay vì tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân này đã nghe theo các chia sẻ trên mạng xã hội để ăn thực dưỡng bằng gạo lứt, muối mè đồng thời đắp thuốc để hút tế bào độc bằng khoai sọ với lời đảm bảo “khỏi 100%”.

Sau vài tháng chữa bệnh theo cách trên, bác sĩ Hùng cho hay bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khối u hoại tử, hạch di căn xuất hiện. Lúc này, việc chữa trị nan giải hơn. Người bệnh hối hận nhưng đã muộn.

Cách đây không lâu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cũng tiếp nhận một ca bị ung thư dạ dày vào viện trong tình trạng nặng.

Theo người nhà, bệnh nhân vừa biết tin bị ung thư liền ăn thực dưỡng, không dùng thuốc Tây. Sau vài ngày ăn gạo lứt, người bệnh giảm 20 kg và vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, da bọc xương.

Trường hợp khác, bệnh nhân 40 tuổi bị xơ gan nhưng không điều trị mà chỉ ăn thực dưỡng và uống thuốc nam. Khi vào viện, da người bệnh nhân này vàng như nghệ, gan đã không còn tác dụng và rơi vào hôn mê.

Bác sĩ phải lọc máu thay thế chức năng gan. Lúc này, bệnh nhân phải mất hàng trăm triệu mới qua được cơ nguy kịch nhưng gan bị xơ thêm một độ. Bác sĩ Hùng cho biết đó là cái giá rất đắt mà người bệnh phải trả vì chữa bệnh theo lời đồn.

Ung thư không còn là "con ngáo ộp"

Theo bác sĩ Hùng, trước đây, ung thư được xem là “con ngáo ộp” bởi khi phát hiện, bệnh đã trong giai đoạn di căn. Đồng thời, kỹ thuật chẩn đoán cũng như các thế hệ thuốc điều trị lạc hậu không giúp ích nhiều cho người bệnh.

Tuy nhiên, khoa học rất phát triển từ những năm 2000 trở lại đây đối với thế giới. Ở Việt Nam, từ năm 2010, y học đã có tiến bộ rõ rệt trong chẩn đoán cũng như điều trị ung thư. Các xét nghiệm theo dõi tốt và chính xác hơn nhiều, giúp bác sĩ nắm được đường đi của tế bào ung thư tốt hơn.

“Ung thư có khỏi được không? Khỏi được, nếu chúng ta phát hiện sớm. Phát hiện càng sớm càng dễ điều trị và đỡ tốn kém tiền của. Đã có tuyên bố ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung là bộ 3 nếu phát hiện sớm và phối hợp điều trị sớm, có thể tự tin khỏi bệnh hoàn toàn. Còn các ung thư khác, cũng cải thiện rất tốt. Việc bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị là một điều đáng tiếc”, bác sĩ Hùng khẳng định.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng cho hay ung thư không phải căn bệnh khủng khiếp như nhiều người đang lo sợ. Nếu người dân có lối sống lành mạnh và phát hiện bệnh sớm, đa phần đều có thể chữa khỏi.

“Hiện tại, chúng ta có rất nhiều kỹ thuật để điều trị ung thư, bao gồm nội khoa, hóa, xạ trị, i-ốt, điều trị miễn dịch chuyển giao từ nước ngoài. Bộ Y tế đang giao các bệnh viện đầu ngành để chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về ung thư”, PGS Khuê cho hay.

Bệnh ung thư tuyến giáp tăng đột biến

“Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thống kê để tìm hiểu lý do của tình trạng này bởi trên thế giới, đây không phải bệnh phổ biến", PGS Tùng cho hay.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm