Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh nhi 5 tuổi mắc u tai giữa hiếm gặp

U tai giữa bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp, có thể gây biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng chức năng nghe do có đặc tính ăn mòn, phá hủy cấu trúc tai.

Hiện tại, phẫu thuật là phương pháp tối ưu để điều trị u tai giữa bẩm sinh. Ảnh: BVCC.

Đau nhức tai nhẹ, bệnh nhi N.X.P.H. (5 tuổi, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ phát hiện khối trắng đục như hạt ngọc trai nằm trong tai phải dù chưa từng can thiệp hay mắc bệnh tai giữa.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc u tai giữa (Cholesteatoma) phải và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật nội soi lấy khối u.

Tại đây, kết quả chụp CT xương thái dương bệnh nhi cho thấy có khối u xuất hiện ở mặt trong chuỗi xương con. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh.

Đây là một bệnh lý hiếm gặp, có thể gây biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng nghe của trẻ nếu không được phẫu thuật điều trị kịp thời.

Bé H. được mổ bóc u ngay sau đó. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ bóc tách vạt da ống tai ngoài và màng nhĩ và lấy khối u ra khỏi hòm nhĩ, khôi phục lại phẫu trường.

Sau cuộc mổ kéo dài một giờ, khối Cholesteatoma được lấy sạch hoàn toàn. Bệnh nhi hồi phục tốt, không đau đầu, chóng mặt, chảy máu hoặc sốt.

u tai giua bam sinh anh 1

Khối u trong tai bệnh nhi H. Ảnh: BVCC.

Đánh giá về ca bệnh, bác sĩ bác sĩ chuyên khoa I Phạm Quang Huy, trưởng ê-kíp phẫu thuật cho bệnh nhi H. cho biết khó khăn của cuộc mổ là phẫu trường để phẫu thuật viên thao tác với dụng cụ nội soi rất nhỏ hẹp, nguy cơ gây thủng màng nhĩ lớn, bỏ sót gây tái phát.

"Trong quá trình bóc tách khối Cholesteatoma, chúng tôi cố gắng bảo tồn hết mức có thể để tránh làm tổn thương các cấu trúc lành, giúp bệnh nhi phục hồi nhanh sau mổ", bác sĩ Huy cho biết.

Choleateatoma là loại u biểu bì sừng hóa, mềm, màu trắng ngà có thể nằm lạc chỗ trong tai giữa hoặc ở bất cứ vị trí nào trong xương thái dương. Cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ em là bệnh lý rất hiếm gặp, với tỉ lệ 0,12/100.000 trẻ. Số trẻ nam mắc bệnh nhiều gấp 2-3 lần trẻ nữ.

Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng nề do khối u có khả năng ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai giữa, xương thái dương và các cấu trúc lân cận.

Từ đó, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng đến chức năng nghe - nói, gây điếc, liệt dây thần kinh mặt, rò ống bán khuyên, thậm chí là các biến chứng nội sọ gồm viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên.

Theo bác sĩ Huy, Cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ có dấu hiệu kín đáo, khó phát hiện và dễ bỏ sót.

"Nếu phát hiện bệnh càng sớm, việc điều trị càng thuận lợi, tránh nguy cơ phải mở rộng trong phẫu thuật và những biến chứng nguy hiểm của bệnh như: phá hủy chuỗi xương con, thậm chí ăn mòn xương trong hòm nhĩ, suy giảm chức năng nghe của trẻ”, bác sĩ Huy cho biết.

Từ trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo phụ huynh khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường ở tai của trẻ cần đưa con đi thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề về sau.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Phát hiện khối u não sau hơn một năm thường xuyên đau đầu

Nữ bệnh nhân nhập viện với biểu hiện co giật và liệt nửa người. Nhiều tháng trước đó, bà có triệu chứng đau đầu, chóng mặt thường xuyên nhưng không đi khám.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm