Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi trong tình trạng rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện bụng trướng, đại tiện khó khăn. Trước đó khoảng một tháng, gia đình chia sẻ bệnh nhi có dấu hiệu đau, tức vùng thượng vị. Do nghĩ trẻ ốm vặt, gia đình không đưa bệnh nhi đi khám luôn.
Khi các biểu hiện nặng hơn, bé mới được đưa tới Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bán tắc ruột.
Ban đầu, bệnh nhi được chỉ định điều trị nội khoa với nội soi dạ dày và đại tràng. Đáng chú ý, các bác sĩ phát hiện hơn 1 m hỗng, hồi tràng của trẻ bị lấp đầy bởi những khối bã lớn, dai và chắc. Các khối bã này có kết cầu gồm những bó sợi dai màu nâu đỏ giống thịt bò khô, nai khô hay một số loại que cay..., được bày bán tại nhiều cổng trường.
Khối bã thức ăn gây tắc ruột cho bệnh nhi khá giống thịt bò khô, nai khô, que cay..., được bán tại cổng trường. Ảnh: BVCC. |
Sau 3 ngày điều trị nội khoa không cải thiện, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nhằm lấy bã thức ăn ra ngoài. May mắn, ca mổ diễn ra thành công. Sức khỏe bệnh nhi hiện ổn định và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Theo thống kê từ Hiệp hội Tiêu hóa Châu Á-Thái Bình dương, tại Việt nam, bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng rất phổ biến. Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng là 26%, cao nhất trong số các bệnh lý đường tiêu hóa. Các nghiên cứu đa trung tâm đã xác định 85-90% các trường hợp viêm loét dạ dày và hơn 95% viêm loét hành tá tràng có nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
Đáng chú ý, theo bác sĩ Phan Ngọc Chúc, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa, tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ em ngày càng tăng cao và trẻ hóa. Cụ thể, theo báo cáo điều tra dịch tễ học năm 2014, hơn 40% trẻ em nhiễm HP, thậm chí có những trẻ mới 2 tuổi.
Nghiên cứu kéo dài 2 năm trên 362 hộ gia đình của Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật Việt nam đã chứng minh các đối tượng có quan hệ gần gũi, nhất là trong gia đình có tỷ lệ nhiễm HP chung là 85,9%, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 8 tuổi có tỷ lệ nhiễm tới 96,2%, cao gấp 4 lần so với các nước phát triển.
Bác sĩ Chúc cho rằng tình trạng này liên quan trực tiếp thói quen ăn uống sinh hoạt, sự thiếu hiểu biết và quan tâm tới thăm khám sức khỏe định kỳ của người dân. Ngoài ra, sự thờ ơ của phụ huynh trước những biểu hiện bất thường nhỏ của trẻ cũng cũng là nguyên nhân lớn. Ngoài ra, một số nguy cơ gồm những quán cóc tràn lan trên vỉa hè, trước cổng trường đang bày bán hàng loạt món ăn vặt ướp hóa chất bảo quản và được nhuộm màu bắt mắt với giá rất rẻ. Những món ăn này rất hấp dẫn lứa tuổi học trò nhưng mang đến nguy cơ lây truyền bệnh tật cao.