Nên uống rượu trong mùa rét để làm ấm cơ thể?
Theo PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thói quen uống rượu mùa lạnh, mặc quần áo không đủ ấm, vừa phản khoa học vừa khiến nhiều người dễ gặp nguy hiểm. Bởi uống rượu khiến các mạch máu giãn ra. Gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại và gây tăng huyết áp, dễ khiến nhiều người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nguy cơ tử vong rất cao. |
Mùa rét mặc áo càng dày, càng bó càng tốt?
Theo Washington Post, các bác sĩ khuyên chúng ta không nên mặc đồ quá dày và bó sát khi trời rét. Mặc quần áo bó sát làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng vùng kín ở nữ giới và hạn chế lưu thông máu. Trẻ mặc quần áo quá dày, mồ hôi không thoát ra được sẽ thấm ngược vào cơ thể, có thể gây nhiều bệnh lý về đường hô hấp, thậm chí tử vong không rõ nguyên nhân. |
Cách mặc quần áo đúng để giữ ấm là?
Theo Washington Post, các chuyên gia y tế khuyên bạn nên chọn quần áo mỏng, nhiều lớp để giữ ấm trong thời tiết giá rét. Thông thường, chúng ta nên mặc 3 lớp quần áo. Trong đó, lớp trong cùng nên chọn chất liệu polyester, lụa hoặc vải có khả năng thấm hút mồ hôi. |
Nên tắm nước càng nóng càng tốt khi trời rét đậm?
Nước quá nóng có thể gây chênh lệch nhiệt độ bên ngoài với mạch máu trong cơ thể. Hậu quả là mạch máu bị giãn quá mức, khiến chúng ta dễ gặp tình trạng chóng mặt, choáng váng. Lượng máu đến tim, não giảm có thể là thủ phạm khiến nhiều người tử vong. Nước nóng già còn khiến da khô, nứt nẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. |
Nước tắm vào mùa đông nên ở nhiệt độ bao nhiêu?
Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, thói quen tắm nước nóng kéo dài chủ yếu liên quan khô da, kéo theo cách hệ lụy khác như nứt nẻ, chảy nước, mẩn ngứa. Vì thế, trẻ nhỏ nên tắm nước ở nhiệt độ 37-38 độ C. Người lớn chỉ nên tắm nước ở độ mát nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được (khoảng 37 độ C). Nước tắm nên được pha với tỷ lệ 2 lạnh - 1 nóng. |
Thời gian tắm tối đa vào mùa đông là bao nhiêu phút?
Chúng ta cũng không nên tắm quá lâu trong mùa đông. Tiến sĩ Deanne Mraz Robinson, bác sĩ da liễu ở Westport, Connecticut, Mỹ, khuyến cáo chỉ nên tắm trong 5-7 phút ở nhiệt độ 37 độ C. |
Gặp người bị đột quỵ chúng ta nên châm 10 đầu ngón tay để cấp cứu?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), phương pháp này không có hiệu quả với bệnh nhân đột quỵ. Thậm chí, nó có thể gây nguy hiểm với những người tăng huyết áp khi cảm giác quá đau sẽ khiến huyết áp cao hơn. Do đó, chúng ta không nên thực hiện biện pháp cấp cứu này. |
Chúng ta không nên di chuyển nạn nhân bị đột quỵ?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, phản đối quan điểm của nhiều người cho rằng không được di chuyển nạn nhân bị đột quỵ. Bởi cứ mỗi phút trì hoãn, 2 triệu tế bào có thể chết và không hồi phục được. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ còn tỉnh, chúng ta cần để họ nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu. Nếu bệnh nhân bị ngã, họ cần được đỡ, nằm nghỉ, đắp chăn ấm trước khi xe cấp cứu tới. |