Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết tuần 11, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). 21/24 quận huyện đều gia tăng ở mức báo động.
"Bệnh bắt đầu tăng từ tuần 10. Đến tuần 11 bệnh tăng rất mạnh. Có 21/24 quận huyện trên địa bàn thành phố tăng ở mức báo động", đại diện HCDC cho biết.
Các quận, huyện có mức gia tăng bệnh nhân tay chân miệng báo động gồm quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ chi, Hóc Môn và khu vực II, III của TP Thủ Đức.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, 9.
Phân tích nguyên nhân khiến số lượt bệnh nhân tăng nhanh, HCDC cho biết tháng 3, tháng 4 là thời điểm trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ Tết. Nhà trẻ và trường học được xem là môi trường dễ lây lan bệnh tay chân miệng nhất.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện đơn vị này đang điều trị nội trú cho khoảng 20 trẻ mắc tay chân miệng. Dù số lượng bệnh năm nay tăng cao, bác sĩ Khanh cho biết vẫn ít hơn so với đợt cao điểm của những năm trước.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Các trường học cần đặc biệt lưu ý việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận trẻ nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh cần chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do bé nghỉ học.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Đến nay, bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua giữ gìn vệ sinh như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Bệnh tay chân miệng có diễn biến nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), tổn thương da (rát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...).
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chuyên khoa truyền nhiễm để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, tránh hậu quả đáng tiếc.