Bác sĩ Lưu soi các vết ban cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Linh Thùy. |
Mới đưa con gái nhỏ đi gửi nhà trẻ 3 tuần, người mẹ (Đồng Nai) phát hiện trên người con xuất hiện đầy những vết ban nổi đỏ trên da. Các vết nổi dày vùng tay chân và miệng khiến bé khó chịu, bỏ ăn.
Nghi ngờ con mắc bệnh tay chân miệng, người mẹ lập tức đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh thăm khám sau 2 ngày phát bệnh. Bé sau đó được chuyển lên khám và điều trị nội trú tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), do tình trạng tiến triển nặng hơn.
May mắn, sau vài ngày điều trị, bé gái đã có dấu hiệu hồi phục, bớt sốt, các vết ban cũng giảm dần.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa dịch đầu tiên trong năm.
"Tính đến trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khoa đang điều trị cho 12 ca tay chân miệng. Trong tháng 4, số bệnh nhân ngoại trú gia tăng gấp đôi so với tháng 3. Từ đầu năm đến nay, khoa chưa ghi nhận ca nặng", bác sĩ chia sẻ với Tri thức - Znews.
Theo bác sĩ Lưu, so với năm ngoái, bệnh tay chân miệng năm nay đến sớm hơn nhưng đúng theo chu kỳ dịch bệnh hàng năm. Ngoài ra, cứ khoảng 3-4 năm sẽ có một đợt dịch lớn do virus EV71 gây ra, khiến số ca mắc và trường hợp nặng tăng cao.
"Bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch trong năm, bắt đầu từ tháng 4-5 và tháng 9-10. Năm nay, số ca mắc bệnh ghi nhận tăng từ đầu tháng 4. Đây được xem là chu kỳ dịch bệnh bình thường. Còn năm ngoái, dịch tay chân miệng đến tháng 5 mới xuất hiện nhưng kéo dài đến cuối năm", bác sĩ Lưu cho biết.
Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, các trẻ mắc tay chân miệng độ 2A sẽ phải nhập viện để điều trị và theo dõi.
Nếu có dấu hiệu chuyển sang độ 2B, trẻ phải nằm phòng cấp cứu. Trong trường hợp bệnh nhi chuyển sang độ 2B nhóm 2 hoặc nhóm 3 trở lên, bé sẽ phải chuyển nằm phòng hồi sức nhiễm để theo dõi sát sao, phòng có biến chứng xảy ra.
Bác sĩ Lữu cũng lưu ý bệnh tay chân miệng thường diễn tiến trong 7 ngày. Trong đó, giai đoạn dễ trở nặng nhất là khoảng ngày thứ 2-5.
Lúc này, phụ huynh cần theo dõi con kỹ càng và đưa bé nhập viện nếu có các dấu hiệu như:
- Sốt cao không hạ
- Ngủ giật mình chới với hoảng hốt với tần suất tăng lên nhiều hơn 2 lần/30 phút hoặc 3 lần/h
- Ói nhiều
- Lừ đừ
- Run tay chân, đi đứng loạng choạng
- Co giật hoặc có các dấu hiệu thần kinh như cổ gà, lơ mơ, tím tái.
Vì chưa có vaccine, bệnh tay chân miệng chỉ có thể phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh thật tốt. Trẻ nên được tập thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc từ ở ngoài về. Ngoài ra, các vật dụng, bề mặt, môi trường xung quanh các bé cũng cần được cọ rửa kỹ càng để tránh virus gây bệnh lây lan.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.