PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh lý tai mũi họng là nhóm bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em.
Ngoài những yếu tố gây bệnh như thời tiết, khí hậu, môi trường, khói bụi,… thói quen không tốt cũng gây ra các bệnh lý tai, mũi, họng ở trẻ.
Ngoáy mũi là thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ. Thói quen này không nguy hiểm nhưng có thể khiến trẻ gặp một số bệnh lý gồm:
- Chảy máu mũi thường gặp ở những trẻ hay ngoáy mũi do tổn thương các mạch máu nhỏ vùng mũi trước (điểm mạch kisselbach).
- Tổn thương da vùng tiền đình mũi gây viêm loét, nhọt tiền đình mũi do ngoáy mũi thường xuyên.
- Ngoáy mũi là con đường đưa virus, vi khuẩn, nấm từ tay vào mũi khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm mũi xoang.
Trẻ hay ngoáy mũi có thể khiến vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Ảnh: Fatherly. |
Nguyên nhân khiến trẻ ngoáy mũi có thể là đang có tình trạng viêm mũi gây ngứa mũi, cản trở đường thở qua mũi, tăng tạo gỉ mũi hoặc khô mũi, có dị vật.
Khi thấy con hay ngoáy mũi, cha mẹ không nên trách mắng nhưng cần nhắc nhở, đồng thời cắt móng tay, dặn bé thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi đúng cách như lau nhẹ nhàng bằng giấy sạch hoặc khăn hơi ẩm. Nếu trẻ bị ngứa, khô mũi vào mùa hanh, khô hoặc trẻ nằm điều hòa lâu, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
PGS Đào lưu ý cha mẹ không ngoáy, bơm rửa mũi cho trẻ, tránh tổn thương lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc mũi. Gia đình có thể đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nếu thói quen ngoáy mũi của trẻ không thay đổi hoặc xuất hiện chảy máu mũi để tìm các nguyên nhân viêm, bệnh lý bất thường.
Để phòng các bệnh về mũi cho trẻ, gia đình không nên cho con chơi những đồ chơi, vật dụng có kích thước nhỏ (hạt cườm, nút cao su, nhựa, khuy áo, pin, giấy, hạt chống ẩm, hạt đỗ, đậu,…).
Cha mẹ cần đọc kỹ khuyến cáo của nhà sản xuất về độ tuổi phù hợp với loại đồ chơi. Nếu con không may bị mắc dị vật trong mũi, người thân cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám tai, mũi, họng để có biện pháp khắc phục.