Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh vảy nến nguy hiểm thế nào?

Nhiều bệnh nhân vảy nến bị kỳ thị dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử vì không chịu được áp lực.

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nhiều người nhầm tưởng vảy nến chỉ là bệnh ngoài da. Thực tế, đây là căn bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa.

Đặc biệt, khoảng 30% người bị vảy nến có biểu hiện của viêm khớp và đau khớp. 1/10 trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp không biểu hiện ngoài da. Chính vì vậy, họ sẽ nhầm với tổn thương của bệnh lý khớp khác dẫn tới việc điều trị khó khăn.

Trên thực tế, khoảng 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hường, khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng cảnh báo: “Nhiều bệnh nhân đến khám tại viện đã bị biến chứng vào khớp, không còn khả năng chăm sóc bản thân".

Benh vay nen anh 1
Bệnh vảy nến biểu hiện nhiều vùng ngoài da, nên bệnh nhân thường tự ti, mặc cảm. Ảnh: Phạm Thắng.

Trước kia chúng ta chỉ xem vảy nến là bệnh của da liễu, hiện tại y học xác định đây là bệnh có tính hệ thống, ảnh hưởng tới các cơ quan khác. "Người bị bệnh vảy nến có tỷ lệ béo phì, rối loạn chuyển hóa, tai biến, đột quỵ cao hơn so với người bình thường”, bác sĩ Hường nói.

Bên cạnh đó, vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có thể tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.

Theo PGS Doanh, do bệnh vảy nến biểu hiện nhiều vùng ngoài da nên đem đến cho bệnh nhân sự tự ti, mặc cảm, cộng thêm sự kỳ thị của những người xung quanh. Đây chính là yếu tố rất đáng ngại của căn bệnh.

Tâm lý của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều so với ung thư và các bệnh lý mạn tính khác. Khoảng 65% người mắc bệnh vảy nến rơi vào trường hợp bị trầm cảm dạng nhẹ và nặng hoặc mắc các chấn thương tâm lý.

“Chúng tôi lo ngại nhất là sự tác động của bệnh đối với tâm thần, tâm lý của người bệnh. Chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bản thân người ta kỳ thị dẫn đến mặc cảm, trầm cảm và đã có những trường hợp bệnh nhân tự tử, tự sát vì vảy nến”, PGS Doanh e ngại.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm