Ngày 7/1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Thông (55 tuổi, tên gọi khác là Huynh Tom Vu, Việt kiều Mỹ) và bị đơn là công ty TNHH bệnh viện mắt Thái Thành Nam.
Theo đơn kiện của ông Thông, vào năm 2009 ông về Việt Nam chơi và đến khám mắt tại bệnh viện mắt Sài Gòn - chi nhánh bệnh viện mắt Thái Thành Nam. Tại đây ông được các bác sĩ chẩn đoán bị đục thủy tinh thể và tư vấn phẫu thuật bằng phương pháp Phaco IOL.
Ngày 5/6/2009, ông Thông tiến hành ca phẫu thuật tại bệnh viện Thái Thành Nam với chi phí 8 triệu đồng. Phẫu thuật xong, ông này được bác sĩ cho về nhà, nhưng vài giờ sau đó mắt bệnh nhân bị mù hẳn.
Sợ hãi, người đàn ông vội đến bệnh viện Thái Thành Nam khám. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ bị phù giác mạc, một dạng biến chứng sau khi mổ mắt và kê đơn thuốc cho về nhà uống.
Sau gần 1 tuần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn nên ông Thông đến bệnh viện mắt TP.HCM khám. Tại đây ông được chẩn đoán bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc, nếu không chữa kịp sẽ bị mù vĩnh viễn. Do các bác sĩ nói ở Việt Nam chưa thay được giác mạc nên ông Thông quay về Mỹ điều trị.
Ông Thông tại tòa sơ thẩm. |
Sau khi chữa khỏi mắt, ông được bệnh viện Thái Thành Nam bồi thường 8.500 USD nhưng bệnh nhân không đồng ý vì cho rằng số tiền bỏ ra để chữa mắt lớn hơn rất nhiều.
Sau nhiều lần thương thảo bất thành, nạn nhân làm đơn khởi kiện bệnh viện Thái Thành Nam lên TAND TP.HCM yêu cầu trả 85.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng) tiền chữa bệnh, chi phí đi lại và mất thu nhập.
Phía bệnh viện không đồng ý yêu cầu này vì cho rằng họ không có lỗi. Đang trong thời gian chăm sóc sau khi phẫu thuật thì ông Thông tự ý qua Mỹ chữa trị nên lỗi thuộc về ông này. Hơn nữa trước khi tiến hành phẫu thuật họ đã tư vấn về những rủi ro, biến chứng có thể xảy ra và ông Thông đã đồng ý.
Sau đó, TAND TP.HCM đã bác đơn khởi kiện của ông Thông với lý do loạn dưỡng giác mạc là biến chứng bình thường sau khi phẫu thuật mắt, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến chứng chứ không phải hoàn toàn là lỗi của bệnh viện. Không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm nên ông Thông làm kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đàn ông này tự nguyện rút kháng cáo đòi bồi thường chi phí đi lại và mất thu nhập, chỉ giữ nguyên yêu cầu buộc phía Thái Thành Nam trả cho ông 46.700 USD (gần 1 tỷ đồng) chi phí điều trị.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận thấy tòa đã nhiều lần triệu tập bác sĩ Thái Thành Nam (người trực tiếp phẫu thuật cho ông Thông) đến đối chứng với nguyên đơn song ông này không có mặt. Tại tòa hôm nay, bác sỹ Trần Phạm Duy cũng khẳng định quy trình mổ mắt của bệnh viện Thái Thành Nam không có trách nhiệm theo dõi hậu phẫu dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị loạn dưỡng giác mạc.
Đồng thời căn cứ vào kết quả giám định có căn cứ xác định phía bệnh viện Thái Thành Nam có lỗi vì không chữa bệnh theo đúng quy trình mà bệnh viện này ban hành. Sau khi xảy ra sự việc, phía bệnh viện có bồi thường cho ông Thông 8.500 USD, nếu phía bệnh viện cho rằng không có lỗi thì đưa tiền này cho bệnh nhân có mục đích gì (?).
Vì thế, HĐXX đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Thông, buộc bệnh viện Thái Thành Nam trả cho ông 47.500 USD (khoảng 980 triệu đồng).