Bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong văn bản báo cáo trình Bộ Y tế và Bộ Tài chính, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang trong tình trạng khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo trì.
Chuyển bệnh đi cơ sở khác vì máy móc hư hỏng
Trong báo cáo này, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong quản lý trang thiết bị y tế theo Nghị định 98, nhiều chênh lệch trong kê khai giá khiến đơn vị này không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế để mua sắm.
Ngoài ra, việc vận hành thiết bị y tế đòi hỏi phải thay thế, bảo trì, sửa chữa nhưng các linh kiện thay thế này chưa có quy định cụ thể, chưa được quản lý, kê khai cũng như công khai giá. Điều này cũng khiến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm sửa chữa.
Từ 1/1/2022, khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy Siêu âm doppler màu... đều không có đủ 3 báo giá để thực hiện đấu thầu mua sắm.
"Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh", báo cáo của bệnh viện nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo bệnh viện này, trang thiết bị y tế (bao gồm vật tư y tế, hóa chất...) là hàng hóa đặc thù của ngành y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Do đó, việc này cần phải được quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, công khai, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên đến nay, các quy định vẫn chưa được điều chỉnh bổ sung.
Bệnh nhân được chăm sóc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước tình hình này, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các vụ, cục khẩn trương thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay để các bệnh viện có thể triển khai được công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Đối với vấn đề dự toán mua sắm, Chợ Rẫy cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm xây dựng và phê duyệt các quy định.
Bệnh viện gợi ý chẳng hạn cho phép dự toán mua sắm hàng năm trên tổng kinh phí phân bổ trong năm (như tổng kinh phí trong năm dự kiến là 4.000 tỷ đồng, trong đó mua sắm thuốc 2.000 tỷ đồng; mua sắm vật tư y tế, hóa chất 1.000 tỷ đồng; các khoản chi khác 1.000 tỷ đồng).
"Cầu cứu" Bộ Tài chính gỡ vướng trong mua sắm
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đồng thời gửi văn bản đến Bộ Tài chính về việc hướng dẫn vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu mua sắm vật tư y tế.
Cụ thể, quy định của bộ này, giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trong trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn, bệnh viện có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ trong quá trình triển khai xây dựng giá gói thầu, đơn vị này không thể nhận được đầy đủ 3 báo giá trên địa bàn và cũng không thu thập được báo giá trên địa bàn khác.
Khu vực làm việc tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy. Ảnh: Hoàng Giám. |
Vấn đề này gây rất nhiều trở ngại cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân. Nếu tiếp tục chờ đợi, bệnh viện không thể xây dựng được giá gói thầu, từ đó chắc chắn sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị cho người bệnh.
Chợ Rẫy cũng đưa ra một số tình huống về xây dựng giá gói thầu để Bộ Tài chính xem xét và hướng dẫn.
Đối với lĩnh vực thanh toán bảo hiểm y tế tại bệnh viện khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện bằng máy mượn, máy đặt đang có sự mâu thuẫn giữa Nghị quyết 144, Công văn 517 của Bộ Y tế và Công văn 182 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM.
"Bệnh viện khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế khẩn trương làm rõ và hướng dẫn thực hiện việc thanh toán bảo hiểm cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn máy đặt, cân nhắc kéo dài thời gian thanh toán BHXH cho dịch vụ kỹ thuật này", báo cáo của bệnh viện nêu.
Mới đây, hai bệnh viện lớn của Bộ Y tế cũng lên tiếng "cầu cứu" vì thiếu thốn vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, thu không đủ chi.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, trong khi hóa chất xét nghiệm chỉ còn đủ dùng trong một tuần.
GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ đơn vị này đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua. Nguồn thu không đảm bảo khiến đời sống nhân viên y tế rơi vào chật vật, có người rời bỏ bệnh viện công để sang tư nhân.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.