Bệnh nhân bị ung thư đầu - cổ đang được xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu 2. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau thời gian chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho sứ mệnh lịch sử, cuối tháng 1, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) chính thức vận hành toàn bộ để phục vụ người dân.
Từ khi chính thức chuyển toàn bộ cơ sở điều trị, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 4.000 lượt khám, điều trị ung bướu.
Tiền điện 5 tỷ đồng/tháng, tăng gấp 5 lần cơ sở cũ
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (tọa lạc số 12, đường 400, phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) có tổng diện tích gần 5,6 ha, ngay sát đất Bình Dương, được khởi công từ năm 2016.
Bệnh viện có quy mô 1.000 giường nội trú, với các trang thiết bị hiện đại như 6 máy xạ thế hệ mới, hệ thống pha chế thuốc tập trung, hệ thống 16 phòng mổ hiện đại áp lực dương, hệ thống xét nghiệm tự động automation, hệ thống giải trình tự gen, máy MRI 3 tesla, CT 128 dãi…
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết các trang thiết bị y tế này đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ mặc dù cố gắng vận hành hiệu quả tòa nhà cũng như các trang thiết bị hiện đại, mong muốn tăng chất lượng điều trị, tăng tiện ích cho người bệnh và tạo môi trường làm việc hiện đại cho nhân viên y tế, chi phí vận hành là bài toán đau đầu với lãnh đạo bệnh viện.
Bệnh nhân bị ung thư buồng trứng được xạ trị với máy gia tốc Truebeam - thiết bị xạ trị ung thư thế hệ mới nhất. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Chi phí vận hành cơ sở 2 rất lớn là nỗi lo lắng và trăn trở của lãnh đạo bệnh viện, chẳng hạn, chi phí điện lên đến khoảng 5 tỷ đồng mỗi tháng, ở cơ sở 1 trước đây chỉ khoảng 1 tỷ đồng/tháng”, tiến sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, chi phí tiền nước, vệ sinh cảnh quan và tòa nhà cũng nhiều hơn. Đặc biệt là chi phí bảo trì hệ thống trang thiết bị y tế ước tính khoảng 200 tỷ mỗi năm. Tiến sĩ Tuấn chia sẻ đây là gánh nặng rất lớn trong tình hình Bệnh viện Ung bướu phải tự chủ chi thường xuyên. Trước thực tế khó khăn này, bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế TP.HCM, Sở Tài chính và lãnh đạo thành phố để được hỗ trợ.
Trăn trở và hy vọng
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện tại, mỗi ngày, khoảng 4.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu, trong đó, cơ sở 2 ở TP Thủ Đức là gần 3.000 lượt.
80% bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đến từ các tỉnh, thành ngoài TP.HCM.
Tiến sĩ Tuấn cũng cho biết hiện khoảng 400 bệnh nhân đang chờ làm xét nghiệm, hội chẩn để được xếp lịch mổ theo kế hoạch.
"Bệnh viện đã nỗ lực để bệnh nhân có kế hoạch mổ sớm nhất, sau đó sẽ hẹn bệnh nhân đến ngày mổ vào lại bệnh viện để được phẫu thuật", bác sĩ Tuấn nói.
Mặc dù được xây dựng trên nền đất rộng lớn và cơ sở vật chất khang trang, vị trí xa trung tâm thành phố cũng là nỗi ưu tư đối với cán bộ, nhân viên Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Người dân ngồi chờ lượt bốc số, khám và nhận thuốc kín khu vực sảnh Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sáng 6/2. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông bày tỏ lãnh đạo Bệnh viện rất nặng lòng ưu tư đối với các nhân viên y tế ở các vùng xa của thành phố như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Tân... phải di chuyển đoạn đường quá xa, trung bình 50 km cho 2 lượt đi về mỗi ngày.
"Bệnh viện đã cân đối các khoản chi để hỗ trợ chi phí di chuyển thêm mỗi nhân viên một triệu đồng mỗi tháng. Nhưng để ổn định lâu dài cho nhân viên y tế, bệnh viện rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành về nhà ở cho người thu nhập thấp, phương tiện di chuyển công cộng...", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Trước đó, ngày 6/2, Zing ghi nhận khu vực đỗ ôtô của bệnh viện còn khá hạn chế, khoảng 9h, bãi ôtô bệnh viện không còn chỗ trống. Ngoài ra, cảnh bát nháo trước cổng bệnh viện như mất trật tự giao thông, hàng rong, đỗ xe trái phép... cũng dần dần tái diễn ra như cơ sở cũ.
Về vấn đề bãi đỗ xe, tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn chia sẻ trong tuần này, bệnh viện sẽ mở rộng khu vực đỗ xe phụ trợ trong thời gian chờ xây dựng bãi xe giữ xe quy mô lớn hơn.
Về trang thiết bị y tế, Bệnh viện Ung bướu 2 thực hiện theo nguyên tắc khi các trang thiết bị được chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp) giao đến đâu, bệnh viện sẽ đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân đến đó.
Hiện một số trang thiết bị bị hư hỏng khi sử dụng trong thời gian hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19, chủ đầu tư đang khẩn trương làm việc với nhà thầu đề sửa chữa và tiếp tục bàn giao cho Bệnh viện.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được kỳ vọng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu về điều trị các bệnh ung bướu của cả nước và trong khu vực, trở thành địa chỉ khám và điều trị ung bướu của kiều bào, bệnh nhân nước ngoài và góp phần trong phát triển dịch vụ du lịch chữa bệnh.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.