Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thai nhi 'chui ra' ngoài ổ bụng do vỡ tử cung

Sản phụ có vết thủng dài 15 cm ở đáy tử cung khiến thai nhi "chui ra" ngoài ổ bụng dù vẫn nằm nguyên trong bọc ối.

Bé gái nặng 2,2 kg chào đời khỏe mạnh dù nằm trong bọc ối ngoài tử cung thời gian dài. Ảnh: Thiên Chương.

Thai phụ H.A.N. (41 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An) nhập viện ở tuần thai thứ 32 thai kỳ do đau bụng. Tuy nhiên, cơ sở y tế địa phương không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Khi được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), các bác sĩ siêu âm và xác định thai nhi nằm trong bọc ối nhưng bọc ối không nằm trong tử cung mà nằm ngoài ổ bụng, nghi do vỡ tử cung.

Bác sĩ chuyên khoa II Lương Bạch Lan, Trưởng tua trực, cho biết sau khi chẩn đoán hình ảnh và ghi nhận có tim thai (tức thai vẫn còn sống), thai phụ N. lập tức được đẩy ngay phòng mổ để kịp thời cứu cả mẹ lẫn con.

“Tình hình rất nguy cấp. Khi mổ, chúng tôi phát hiện vết thủng ở đáy tử cung dài 15 cm. Đây cũng là vị trí bọc ối chứa thai nhi chui ra ổ bụng”, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, người trực tiếp tham gia ê-kíp mổ, nói.

Tuy nhiên, đây là ca mổ khó bởi nhau cài răng lược gây bám dính phức tạp khiến bệnh nhân mất gần 4 lít máu trong khi mổ. Ê kíp phải bơm bù máu, huyết tương trong suốt quá trình phẫu thuật.

Riêng bé gái nặng 2,2 kg sau khi được đưa ra khỏi cơ thể mẹ đã được chăm sóc đặc biệt. Sau 3 ngày chào đời trong tình huống hy hữu, sức khỏe của bé ổn định, đã được gặp bố mẹ.

Theo bác sĩ Nghiêm, chị N. mắc bệnh lý nhau cài răng lược - cũng là nguyên nhân khiến tử cung bị thủng. Đây là trường hợp thai trong ổ bụng do vỡ tử cung mạn tính. Nghĩa là bọc ối chứa thai có thể đã thoát vị nhiều tuần trước khi phát hiện.

Theo thông tin từ sản phụ, từ tuần thai thứ 12 thai kỳ, chị đã có triệu chứng đau bụng.

“Trường hợp này rất hiếm gặp. May mắn, dây rốn vẫn bám chặt vào nhau thai giúp bé duy trì dinh dưỡng dù đã nằm ngoài tử cung”, bác sĩ Nghiêm nói thêm.

Hiện tại, sức khỏe của cả mẹ và em bé đều ổn định. PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết với những tình huống phức tạp như trường hợp sản phụ N., vai trò của chẩn đoán hình ảnh khi bệnh nhân đến cấp cứu là rất quan trọng. Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp đưa ra những quyết định điều trị kịp thời.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Cách xử trí để cứu mạng trẻ bị hóc dị vật trong gang tấc

Dị vật đường thở là tình huống cấp cứu khẩn, đòi hỏi xử trí nhanh và đúng đắn trước cơn suy hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm