Bé trai tươi cười chụp ảnh tại đường hoa bệnh viện sau gần 4 tháng chạy ECMO. Ảnh: BVCC. |
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết sau gần 4 tháng được điều trị tích cực, bé S. (6 tuổi) đã vượt qua tình trạng nguy kịch và hồi phục ngoạn mục.
Tháng 10/2022, bé S. bị bệnh viêm phổi và nhập viện tại bệnh viện tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, bé bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Do bệnh cảnh diễn tiến nhanh, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nhận thấy tình hình nguy kịch, bé được các bác sĩ khoa cấp cứu và hồi sức chỉ định chạy ECMO.
ECMO là thiết bị hỗ trợ sự sống, có khả năng thay thế hoạt động của tim và phổi thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể. Những trường hợp cần sử dụng ECMO là người đang bị những triệu chứng bệnh nặng, đe dọa tính mạng, làm ngừng hô hấp và tuần hoàn của họ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hiền, ECMO đưa máu ra bên ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ CO2 và thêm oxy vào tế bào hồng cầu. Công nghệ này được áp dụng để điều trị các ca bệnh trong giai đoạn cuối, suy tim hay suy hô hấp nghiêm trọng, cũng là biện pháp cuối cùng để cứu bé.
"Qua nhiều phiên điều trị với sức sống mãnh liệt, bé đã không làm phụ lòng các y bác sĩ và dần cai được ECMO, hồi phục gần như bình thường", đại diện bệnh viện chia sẻ.
Liên quan đến việc trẻ bị sốc phản vệ, bác sĩ Nguyễn Hiền cho biết đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sốc phản vệ xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt... hay những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành...
Các dấu hiệu nhận biết phản ứng phản vệ thường là: cảm giác chóng mặt, đứng không vững do hạ huyết áp, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh nhẹ khó bắt, phát ban trên da, buồn nôn và nôn.
Trường hợp có phản ứng phản vệ, bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, nếu phát hiện trễ hoặc xử trí không đúng có thể gây nguy hiểm.
Dần hồi phục thần kỳ và vượt qua cơn nguy kịch, bé S. chậm rãi phát âm từng lời cảm ơn đến các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tình cứu chữa, chăm sóc em. “Con vui lắm. Con chúc các bác sĩ, các cô chú ở đây năm mới nhiều sức khoẻ, cứu chữa cho nhiều bạn được mạnh khoẻ như con. Chúc các bạn năm mới mau chóng hết bệnh".
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.