Từ sau Tết Nguyên đán 2023, toàn bộ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động thay thế cho cơ sở 1 tại số 3 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh. Bệnh viện có tổng vốn đầu tư 5.845 tỷ đồng. |
Theo ghi nhận của Zing vài ngày qua, hầu hết khoa, phòng, khu hóa trị, xạ trị và phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đều luôn trong tình trạng đông đúc người bệnh. Nhiều người bệnh phải ngồi bệt dưới sàn để chờ lượt khám vì không đủ ghế. |
Trái với khung cảnh vắng lặng, ảm đạm của bệnh viện này được Zing ghi nhận vào ngày 22/4/2021, những ngày đầu năm 2023, quầy tiếp nhận, khu vực ghế chờ tại sảnh lớn bệnh viện đông nghịt người bệnh từ nhiều tỉnh, thành đến xếp hàng lấy số thứ tự khám. |
Tại cơ sở mới, một phòng có 4 giường, mỗi bé đều có giường riêng. Sở Y tế TP.HCM cam đoan cảnh đau lòng khi trẻ ung thư nằm gầm giường mãi mãi sẽ đi vào dĩ vãng. Trước kia, khoa Điều trị Ung bướu nhi tại cơ sở Nơ Trang Long có lối đi chật hẹp, ẩm thấp, quá tải giường bệnh, nhiều thân nhân, trẻ nhỏ phải trải chiếu, nằm dưới gầm giường. |
Người đàn ông bị ung thư đầu - cổ đang được xạ trị. Khu vực xạ trị tại cơ sở mới có thể tiếp nhận điều trị trung bình trên 300 lượt người bệnh và kỳ vọng cao hơn. Trong khi đó, tại cơ sở cũ, số lượng này chỉ dao động dưới 200 ca/ngày. |
Một bệnh nhân bị ung thư buồng trứng được xạ trị với máy gia tốc Truebeam. Đây được xem là thiết bị xạ trị ung thư thế hệ mới nhất. |
Khu xạ trị được trang bị các máy móc tối tân, hiện đại thế hệ mới nhất với 2 máy CT mô phỏng, 6 máy gia tốc. |
"Tôi phải hóa trị 11 lần tại Bệnh viện Ung bướu, đã đi cả hai cơ sở. Khác với cơ sở cũ, hóa trị ở bệnh viện mới được trang bị ghế nằm, có thể điều chỉnh tư thế rất thoải mái. Tôi rất vui vì bệnh viện mới thoáng mát, rộng rãi, bác sĩ thân thiện", bà Lý Thị Hoa, 63 tuổi, sống tại quận 8, TP.HCM, chia sẻ. |
Khoa Hóa trị bao gồm 2 khu, tổng công suất khoảng 150 chỗ. Mặc dù được đặt trong không gian rộng rãi, số lượng ghế ngồi để truyền thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người bệnh. Từ khi đi vào hoạt động, khu vực này luôn kín bệnh nhân. |
Tháng 7/2021, trong đợt bùng phát dịch Covid-19, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được thành phố chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có quy mô lớn nhất Việt Nam. Cuối tháng 3/2022, bệnh viện này đã hoàn thành sứ mệnh. |
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chính thức khởi công vào ngày 26/6/2016. Bốn năm sau, khu Khám bệnh đi vào hoạt động nhằm giảm tình trạng quá tải nặng nề tại cơ sở cũ. Tuy nhiên, thực tế chưa đạt kỳ vọng, số lượt bệnh nhân ngoại trú rất ít, có ngày chỉ 80 người. Nguyên nhân được cho là nhiều hạng mục công trình chưa đạt yêu cầu, chờ nghiệm thu. |
Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố được ngân sách trung ương đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, kỳ vọng là bệnh viện ung bướu hiện đại nhất phía nam. Tuy nhiên, khu vực đỗ ôtô của bệnh viện còn khá hạn chế. Cảnh bát nháo trước cổng bệnh viện như mất trật tự giao thông, hàng rong, đỗ xe trái phép... vẫn diễn ra như cơ sở cũ. |
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.