Đêm 23/1 (mùng 2 Tết), khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đón lượng bệnh nhân tăng vọt so với mùng 1 Tết. Trong đó, nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông, đánh nhau do uống bia rượu dịp Tết. |
Bà Lê Kim Hoàng (ngụ Tân Bình) hớt hải đi cùng em trai đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. "Nó bị té xe máy, nghe nói là có nhậu nhẹt rồi lúc trên đường về đâm vào dải phân cách. Lúc đó, nó chở đứa cháu nhưng con bé bị nhẹ hơn, đang nằm ở Bệnh viện Triều An", bà Hoàng chia sẻ. |
Do ngã xe khá nghiêm trọng, em trai bà Hoàng bị sưng lớn phần mặt, gãy xương mũi, rách cằm và môi, chảy nhiều máu. Các bác sĩ phải lập tức làm thủ thuật khâu vết thương để cầm máu. Tuy nhiên, ông liên tục than khó thở do máu chảy ngược vào mũi. |
Không chỉ những ca tai nạn, chấn thương liên quan đến rượu bia ngày Tết, nhiều trường hợp có bệnh nền nặng cũng liên tục được các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong đêm mùng 2. |
Trung bình mỗi đêm, khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 200 trường hợp, trong đó, khoảng 30 ca nặng phải vào phòng Hồi sức tích cực. |
Anh Huy (quận 6) ngồi ngoài phòng cấp cứu chờ tin về anh trai. "Gia đình đang ngồi ăn trong xóm thì có đám người nhậu nhẹt rồi đánh nhau. Mấy người đó cầm ly ném, rồi đập dính tay anh tôi. Anh bị gãy ngón tay và được chẩn đoán đứt gân, đang chờ chỉ định phẫu thuật", anh Huy bần thần nói. |
Một cậu bé bị tai nạn giao thông vào chiều mùng 2 Tết. Sau nhiều giờ di chuyển, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và ngay lập tức được đưa vào phòng Hồi sức tích cực để chụp CT não. |
Anh Nguyễn Văn Lâm (ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nhiều vết rách trên mặt. Anh Lâm chia sẻ anh phải khâu gần 20 mũi. Những vết thương này do bị người người khác đánh. "Nhóm thanh niên trong xóm tụ tập ăn nhậu, ca hát suốt ngày đêm. Tôi ra nhắc nhở thì bị cả đám hơn 10 người đuổi vào tận nhà dùng gạch, ly thủy tinh đánh đập", anh Lâm nhớ lại. |
Bác sĩ Trần Anh Thế, Trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngày Tết, khoa thường phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng nhập viện liên quan đến tai nạn. Do đó, nhân viên y tế khoa Cấp cứu luôn có áp lực rất lớn. |
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam. Vì vậy, khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận ca bệnh nặng, nghiêm trọng mà cơ sở y tế tuyến dưới không đủ khả năng điều trị. |
Từ chiều tối, số ca cấp cứu cũng tăng dần. Gác nỗi nhớ gia đình và không khí sum vầy ngày Tết, nhiều nhân viên y tế tập trung giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử. Do tính chất công việc, khoa Cấp cứu phải đảm bảo đầy đủ số lượng nhân viên, phòng trường hợp khẩn cấp. |
Khu vực phòng chờ cấp cứu cũng đông đúc thân nhân người bệnh. Nhiều người mệt mỏi, ngủ gục trong lúc chờ trông ngóng tình hình của người thân. |
Gần 0h, anh Vũ (ngụ Bình Phước) cùng người thân vẫn đứng bên ngoài khoa Chấn thương sọ não. Em trai anh bị co giật, ngã đập đầu xuống đất nên bị chấn thương liên quan đến não. "Chúng tôi đưa em đi cấp cứu ở Chợ Rẫy tối 30 Tết. Từ lúc nó bị, cả nhà cũng chẳng để ý đến Tết nữa, mấy ngày rồi chỉ quanh quẩn trong bệnh viện xem tình trạng của nó", anh Vũ chia sẻ. |
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.