Những sai lầm phụ huynh có thể mắc phải khi sơ cứu cho con trẻ có thể khiến tình trạng của bé thêm nặng. Ảnh: Honestdocs. |
Ngày Tết, nguy cơ trẻ gặp phải các tình huống chấn thương hơn so với ngày thường cao hơn. Trẻ có thể bị các tổn thương như bỏng, ngã, chảy máu hay sốt...
Những sai lầm phụ huynh có thể mắc phải khi sơ cứu cho con trẻ có thể khiến tình trạng của bé thêm nặng.
Bôi dầu, bơ lên vết bỏng
Bác sĩ Minh Khánh, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết hành động bôi dầu, bơ lên vết bỏng mà nhiều phụ huynh áp dụng không có lợi mà còn có hại. Lý do là bất kể dạng chất nhờn nào cũng đều có tác dụng giữ nhiệt và khi bôi chúng lên vết bỏng sẽ khiến vết thương khó lành hơn.
Lời khuyên từ các chuyên gia là nếu phát hiện trẻ gặp phải tình trạng bỏng, việc đầu tiên là sử dụng nước sạch xối lên vết bỏng để giảm đau. Sau đó, bạn nhẹ nhàng làm khô khu vực vết bỏng và không nên băng kín, băng chặt. Nếu vết bỏng bắt đầu có dấu hiệu phồng rộp, đổi màu da hoặc có vẻ bị nhiễm trùng (có mủ…), người nhà hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Chườm nóng lên vị trí bong gân hay gãy xương
Chườm nóng là phương pháp dùng để giảm đau nhức hiệu quả. Trẻ nhỏ luôn hiếu động và đặc biệt hơn nữa trong những ngày Tết lại có rất nhiều hoạt động diễn ra. Trẻ có thể gặp phải những tình huống như ngã, va đập hay chấn thương dẫn đến bong gân và thậm chí là gãy xương.
"Trong trường hợp này, chườm nóng sẽ gây nguy hiểm khi làm tăng sưng, cản trở quá trình tự lành thương. Cha mẹ nên chườm lạnh. Cách xử trí ban đầu tốt nhất là chườm đá hoặc túi nước lạnh vào vị trí tổn thương trong vòng 15-20 phút", bác sĩ Khánh nói.
Các phụ huynh có thể sử dụng túi nhựa có khoá kín, cho đá viên vào và bọc túi trong một chiếc khăn hoặc vải sạch rồi chườm lên vùng bị thương. Lưu ý là không bao giờ được đặt trực tiếp lên da mà cần được bọc bởi lớp khăn, vải mỏng. Sau đó, bạn nên cho trẻ nghỉ ngơi, nâng cao chân và đưa đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu liên quan đến gãy xương.
Ngâm tay, chân trong nước nóng
Ở các vùng núi cao, khu vực miền Bắc, Tết là thời điểm tương đối lạnh. Việc tham gia các hoạt động ngoài trời có thể khiến trẻ bị lạnh và nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho trẻ ngâm tay, chân trong nước nóng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nhiệt độ của nước để tránh gây tình trạng bỏng đột ngột khi da đang lạnh được tiếp xúc với nước nóng. Điều này có thể gây tổn thương làn da mỏng manh của trẻ.
Cha mẹ có thể sử dụng các túi giữ nhiệt hoặc sưởi tay, chân cho trẻ bằng thiết bị sưởi khác. Nếu dùng nước, hãy đảm bảo nước ấm, không quá nóng và sau khi ngâm cần lau tay, chân cho trẻ khô ráo.
Dùng rượu xoa bóp để hạ sốt
Dùng rượu để xoa bóp là phương pháp rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi trẻ gặp phải tình trạng sốt, bạn không nên sử dụng rượu để xoa toàn thân vì điều này rất có hại cho trẻ nhỏ.
"Rượu có khả năng ngấm qua da và làm mát, nhưng lại gây cảm giác nóng cho vùng da được xoa bóp. Đặc biệt ở những trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh, việc sử dụng rượu xoa bóp còn có thể khiến trẻ ngộ độc rượu do làn da mỏng", bác sĩ Khánh cho hay.
Dùng rượu để xoa bóp là phương pháp rất phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Kumparan. |
Tết là thời điểm thời tiết lạnh ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng núi cao, khu vực phía Bắc. Trẻ có thể bị cảm lạnh, cảm cúm nếu không được giữ đủ ấm khi tham gia các hoạt động hàng ngày. Lời khuyên của các chuyên gia là cần cho trẻ mặc đủ ấm, tránh thời tiết cực đoan.
Khi trẻ hoạt động nhiều toát mồ hôi, bạn không nên cởi bỏ quần áo của trẻ đột ngột vì có thể gây cảm lạnh. Nếu trẻ gặp phải tình trạng sốt, bạn nên sử dụng các loại thuốc hạ sốt và cần đi khám nếu sốt quá cao.
Dùng garo để cầm máu vết thương và dùng băng dán dán lên vết cắt chảy máu
Sử dụng garo để cầm máu vết thương là hành động sơ cứu cần đúng kỹ thuật và trong những tình huống nhất định. Đối với vết cắt chảy nhiều máu, việc cần thiết là sử dụng gạc vô trùng hoặc tấm vải sạch ấn lên vết thương và băng chặt vùng tổn thương. Sau đó, bạn đưa đến các cơ sở y tế để can thiệp (khâu vết thương nếu chảy máu nhiều…). Việc garo vết thương nếu không đúng cách sẽ gây cản trở máu đến khu vực tổn thương, ảnh hưởng đến lưu thông máu và lành thương.
Đối với các vết thương nhỏ, gia đình cần rửa sạch vết thương, sau đó sử dụng gạc sạch đắp lên và dùng băng y tế quấn lại. Bạn không nên dùng băng keo hay các loại băng khác dán trực tiếp lên vết thương vì có thể kéo theo vi khuẩn hay gây tổn thương vùng vết thương khi gỡ băng ra.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên để ý và kiểm soát các hoạt động của trẻ, tránh để sử dụng vật dụng nguy hiểm và gây tổn thương cho cơ thể.
Bôi các loại thuốc kháng khuẩn lên vết thương
Theo bác sĩ Minh Khánh, bôi các loại thuốc kháng khuẩn hay rắc thuốc kháng sinh lên vết thương hở là một sai lầm mà nhiều người lớn mắc phải. Việc bôi các loại thuốc này không những không giúp vết thương lành nhanh hơn mà còn làm tăng độ ẩm cho vết thương - vốn cần được giữ khô ráo. Việc này cũng kéo theo nguy cơ nhiễm trùng do tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Lời khuyên từ các chuyên gia là rửa sạch vết thương, băng lại bằng miếng gạc vô khuẩn và sử dụng băng y tế quấn lại. Hãy giữ cho vết thương khô ráo bằng cách thay băng 2 lần/ngày. Không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh đường uống lên vết thương hở ngoài da.
Dụi mắt khi có vật lạ bay vào mắt
Trẻ hay có thói quen dụi mắt khi có vật lạ rơi vào mắt. Đây là thói quen không tốt và có thể gây thêm các tổn thương cho mắt nếu vật thể lạ sắc nhọn hay có độc tính. Các chuyên gia khuyên rằng phụ huynh nên hướng dẫn trẻ để trẻ hiểu rằng không nên dụi mắt. Thay vào đó, bạn cần rửa mắt với nước sạch cho bé để dị vật tự trôi ra hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt loại bỏ dị vật.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.