Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đau tai là bị bệnh gì?

Đau tai là vấn đề thường gặp cả ở trẻ em và người lớn. Tuy ít khi gây ảnh hưởng đến tính mạng, chúng lại tạo nên nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Đau tai khiến cuộc sống người bệnh ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, chủ động tìm hiểu nguyên nhân để phòng ngừa bệnh từ sớm là điều rất cần thiết.

Nguyên nhân gây đau tai

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay đau tai từ nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là:

- Do nhiễm trùng: Tai nhiễm trùng dẫn đến tình trạng đau là nguyên nhân phổ biến. Tình trạng viêm tai có thể xảy ra ở cả tai ngoài, tai giữa và tai trong. Khi lớp da tai bị xước hoặc tổn thương, vi khuẩn và các vi sinh vật khác sẽ nhanh chóng xâm nhập, gây nhiễm trùng tai.

- Do thay đổi áp suất không khí đột ngột: Tình trạng thay đổi áp suất không khí đột ngột như khi đi máy bay, thang máy trượt hoặc di chuyển từ vùng thấp lên vùng cao… có thể gây đau tai và giảm thính lực nhẹ.

- Do ráy tai tích tụ quá mức: Tình trạng ráy tai tích tụ quá mức trong tai, không chỉ làm giảm thính giác mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây tình trạng đau tai. Những trường hợp như vậy không nên lạm dụng tăm bông hay dụng cụ lấy ráy tai vì có thể vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn, bạn nên tới gặp bác sĩ để được điều trị.

- Do thủng màng nhĩ: Màng nhĩ có thể bị rách do chấn thương, thay đổi áp suất trong không khí hoặc nước, nhiễm trùng tai ngoài và tai trong… sẽ gây đau tai. Khi đó, người bệnh có những cơn đau tai dữ dội, xuất hiện cùng hiện tượng chảy máu tai thì nên đi gặp bác sĩ ngay lập tức, rất có thể là biểu hiện của thủng màng nhĩ.

- Do các bệnh lý gây đau tai: Đau tai còn có thể bắt nguồn từ những bệnh lý, vấn đề sức khỏe, cụ thể như viêm họng, viêm xoang, rối loạn thái dương hàm, viêm khớp gây ảnh hưởng đến xương hàm, các bệnh lý răng miệng, đau dây thần kinh số 3…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau tai

Theo bác sĩ Đào, thông thường, đối tượng có nguy cơ mắc đau tai thường gặp là trẻ sơ sinh, người trẻ tuổi hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm tai, viêm họng, viêm xoang…

Những người có dấu hiệu phì đại như viêm VA hay polyp mũi, polyp xoang mũi hoặc có hệ miễn dịch bị suy giảm như trẻ nhỏ, bà bầu, người cao tuổi, người mắc bệnh nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch… dễ bị đau tai.

Ngoài ra, người có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng tai hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiều khói thuốc, không khí ô nhiễm ở mức độ cao… cũng dễ đau tai hơn.

Khi đau tai, người bệnh còn có thể thấy các biểu hiện đi kèm như:

  • Tai sưng phù hoặc tấy đỏ
  • Tai chảy máu, tai có dịch hoặc mủ
  • Viêm họng, hắt hơi, ho khan nhiều, buồn nôn
  • Thính lực suy giảm
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ
  • Cảm giác quay cuồng, choáng váng, chóng mặt.
  • Ù tai, cảm giác đầy, vướng trong tai
  • Người sốt nhẹ, cơ thể đau nhức
  • Đau nhức đầu, đau mặt, đau thái dương, đau dưới mang tai
  • Đau nhức họng, mũi
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi… có thể kèm theo tai ngoài bong tróc hoặc có vảy
  • Chảy nước mắt

Đặc biệt, tai có dịch hoặc mủ là một trong những dấu hiệu phổ biến thường xuất hiện cùng bệnh tai đau.

Nguyen nhan dau tai anh 1

Tai có dịch hoặc mủ là một trong những dấu hiệu phổ biến thường xuất hiện cùng bệnh tai đau. Ảnh: Scarysymptoms.

"Đau tai tiến triển từ từ nếu là do viêm tai ngoài, cũng có vài trường hợp chỉ có triệu chứng ngứa tai. Khi chạm hoặc kéo vành tai có thể làm trầm trọng thêm sự đau đớn. Nếu đau tai do viêm tai giữa sẽ có biểu hiện đau ở tai (triệu chứng phổ biến nhất). Triệu chứng đau của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì khó phát hiện, biểu hiện thường thấy là trẻ quấy khóc và cáu kỉnh", bác sĩ Bích Đào nói.

Khi nào đau tai cần đến gặp bác sĩ?

Theo vị chuyên gia này, khi đau tai có kèm theo các dấu hiệu sau đây, bệnh nhân cần đến gặp ngay bác sĩ, bao gồm:

  • Sốt cao kéo dài, nhiệt độ từ 39 độ C trở lên. Đối với trẻ sơ sinh, các mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức khi thấy bé sốt từ 38 độ C trở lên.
  • Người bệnh xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội.
  • Chóng mặt.
  • Tai sưng tấy, chảy dịch mủ hoặc chảy máu.
  • Đau tai dữ dội, kéo dài trên một ngày.

Bác sĩ Bích Đào cho hay để điều trị đau tai, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau và hạ sốt, gồm Ibuprofen hoặc Aspirin.

Nếu tai nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không chứa Steroid khác hoặc Acetaminophen… Nếu bệnh nhân viêm tai giữa, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh dạng uống. Viêm tai ngoài, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh dạng nhỏ…

Ngoài ra, để làm giảm các triệu chứng khó chịu, đau nhức, người bệnh có thể kết hợp chườm ấm… Để giảm đau và hạ sốt, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc gồm Ibuprofen hoặc Aspirin.

Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa đau tai hiệu quả như không hút thuốc lá, đặc biệt là không nên tiếp xúc với khói thuốc; không đưa các vật lạ, nhọn sắc, nguy hiểm lên tai, lau khô tai ngay sau khi bơi, lặn hoặc tắm; cần hạn chế đeo tai nghe hoặc máy trợ thính liên tục, tránh những nơi ồn ào, nghe âm thanh quá to khiến thính lực bị ảnh hưởng.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

3 nguyên tắc ăn uống giúp người thừa cân không 'phát phì' ngày Tết

Các gia đình thường tích trữ quá nhiều thức ăn chứa chất bột đường, chất đạm, cùng cách chế biến xào, chiên, rán khiến cho lượng dầu mỡ luôn ở mức cao, dẫn tới tăng cân nhanh.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm