Theo phản hồi của Bệnh viện Nhi đồng 2, đơn vị này chậm trễ trong việc ghép tạng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau phản ánh trên báo chí về tình trạng trì hoãn ghép tạng, trưa 22/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Trong đó, 3 lý do quan trọng là bác sĩ nhi khoa thiếu chứng chỉ chuyên môn liên quan ghép tạng, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện và thiếu nguồn tạng hiến.
Theo đại diện bệnh viện, từ năm 2019 đến năm 2021, công tác ghép gan bị đình trệ do đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của các giáo sư quốc tế.
Trước tình cảnh các bệnh nhi mắc bệnh suy gan mạn tính dần trở nặng, Bệnh viện Nhi đồng 2 cần hoàn chỉnh quy trình thực hiện ghép gan “tự chủ”. Tuy nhiên, tại đây, bệnh viện lại gặp các vấn đề chính như sau:
Vấn đề đầu tiên là các bác sĩ thiếu các chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa, Ngoại nhi hoặc chứng chỉ chuyên môn ghép tạng người lớn. Bệnh viện đã lên kế hoạch, tiến hành các công tác chuẩn bị và cử bác sĩ tham gia những lớp học phù hợp.
Thứ hai, bệnh viện đang xây dựng phòng mổ ghép tạng hoàn chỉnh có cơ sở vật chất phù hợp.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết phòng mổ cũ có hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng…
Là một trong những cơ sở điều trị tuyến cuối và phải phục vụ rất đông bệnh nhân cần phẫu thuật gấp, nếu đơn vị này nghiêng về một chuyên ngành nào, ngay cả là ghép tạng, tiến độ phẫu thuật cho bệnh nhân mắc các bệnh lý quan trọng khác có thể bị ảnh hưởng.
Phòng mổ mới xây dựng của Bệnh viện Nhi đồng 2 trong quá trình gần hoàn thiện và đang làm công tác báo cáo Sở Y tế.
Một ca ghép thận cho trẻ với nguồn tạng từ người hiến chết não trong mổ Bệnh viện Nhi đồng 2. BVCC. |
Một lý do quan trọng để công tác ghép tạng bị trì hoãn còn liên quan đến việc thiếu nguồn tạng để cấy ghép.
"Nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình nhưng không phải bệnh nhân nào cũng tìm được nguồn tạng phù hợp. Ghép tạng từ người cho chết não cũng là một trong những cứu cánh cho bệnh nhân suy tạng", đại diện bệnh viện chia sẻ thêm.
Ngoài ra, để đảm bảo chuyên môn, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian khi tiến hành hoạt động ghép tạng như chọn bệnh nhân phù hợp theo thứ tự trong danh sách, tiến hành hàng loạt xét nghiệm của cặp ghép, thành lập hội đồng chuyên môn nhiều lần để cùng bàn bạc các vấn đề phát sinh, thay đổi cặp ghép liên tục tùy tình trạng bệnh nhân và gia đình, hội chẩn với các chuyên gia để nâng cao khả năng chuyên môn…
Mỗi đợt ghép tạng, bệnh viện luôn hoạt động hết công suất. Trong thời gian này, các bệnh nhân ghép tạng vẫn đang được theo dõi sát, điều trị nội khoa phối hợp, chuyển tuyến đến cơ sở y tế phù hợp khi cần.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng thông tin giữa tháng 3 năm nay, sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy có người chết não hiến thận, đơn vị này đã tiến hành hội chẩn nội viện, liên viện để khởi động ghép tạng ngay. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm không phù hợp giữa người cho và người nhận nên việc ghép tạng không thực hiện được.
Gần đây nhất, tối 21/5, Trung tâm điều phối ghép tạng đã liên hệ bệnh viện để lập tức chuẩn bị cho ca ghép gan từ người cho chết não. Tuy nhiên, người cho từng bị suy đa tạng nên không có có chỉ định ghép tạng. Điều này gây ra nhiều tiếc nuối cho gia đình bệnh nhân cũng như ê-kíp bác sĩ.
Đơn vị này khẳng định tiếp tục cố gắng để quy trình ghép tạng tự chủ được thực hiện sớm nhất và an toàn nhất nhằm đem lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân suy tạng.
Trong 15 năm qua, từ 2005 đến 2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 13 ca ghép gan nhờ sự phối hợp của giáo sư từ viện trường Saint Luc, Vương quốc Bỉ.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker cho bạn đọc biết về lợi ích của sữa mẹ, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất mà các bà mẹ cho con bú nên ăn hàng ngày để tăng cường dưỡng chất cho sữa, đồng thời đảm bảo sức khỏe tốt.