Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện ở Hà Nội không tiếp nhận người tới thăm, chưa khai báo y tế

Để tránh trở thành "ổ dịch siêu lây nhiễm", các bệnh viện đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại Việt Nam xuất phát từ các bệnh viện ở Đà Nẵng. Trong đó, Bệnh viện Đà Nẵng được xác định là "ổ dịch siêu lây nhiễm".

Nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tự, nhiều bệnh viện đã chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống làm việc, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Kiểm soát người ra vào viện

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, cho biết: "Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là không để xảy ra lây nhiễm chéo giữa nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc và các đơn vị thực hiện dịch vụ. Trước đó, việc không để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào bệnh viện sẽ được ưu tiên".

Giải pháp đầu tiên là kiểm soát lượng người ra vào bệnh viện. Cơ sở y tế này yêu cầu những người vào bệnh viện phải mang khẩu trang. Tại lối vào của các khoa, phòng, bệnh viện bố trí người đo nhiệt độ, kiểm soát việc vệ sinh tay và mang khẩu trang.

Tại một số khoa, đội ngũ y tế đã bố trí các buồng, khu vực khám sàng lọc để phân chia bệnh nhân theo tình trạng. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được tiến hành cách ly tạm thời.

Theo PGS Hùng, các hoạt động của y bác sĩ cần cẩn trọng trong thời điểm này. "Các nhân viên y tế phải thay găng sau khi lấy máu cho mỗi bệnh nhân. Nếu chỉ dùng một đôi găng cho nhiều người, điều này vô tình trở thành nguyên nhân lan truyền virus", bác sĩ này nhận định.

benh vien phong,  chong dich anh 1

Khu Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai luôn được bố trí một người kiểm soát, tất cả bệnh nhân đều phải đi qua cửa này để vào trong. Ảnh: BVCC.

Khai báo online trước khi vào viện

Bệnh viện K (Hà Nội) cũng tái khởi động và triển khai đồng loạt nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Mục tiêu được đề ra là nâng cao hiệu quả điều trị nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà và cán bộ y tế.

Bệnh viện này yêu cầu toàn bộ bệnh nhân và người nhà chủ động khai báo y tế online trước khi tới khám, chữa bệnh. "Việc khai báo y tế không chỉ dành cho người bệnh và người nhà, 100% y, bác sĩ cũng phải thực hiện nghiêm túc, ai chưa làm thì không vào bệnh viện", PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, chỉ đạo.

Công tác sàng lọc người ra vào tại đây cũng được thực hiện chặt chẽ. Những người qua sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy.

Đặc biệt, Bệnh viện K đã ra quyết định không tiếp nhận người tới thăm bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ được đi cùng một người nhà khi đến khám.

Trong khu vực khám, chữa bệnh, công tác vệ sinh khử khuẩn tại từng vị trí nhỏ như nắm cửa, tay vịn cầu thang, thang máy, ghế ngồi... cũng được bệnh viện đẩy mạnh.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), người dân khi tới khám, chữa bệnh sẽ được tích hợp việc khai báo y tế điện tử. Những trường hợp nghi mắc Covid-19 có triệu chứng và yếu tố dịch tễ rõ ràng sẽ được chuyển tới phòng khám cách ly và xử lý.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận định: "Khi chưa thể tìm ra nguồn lây, bệnh viện chính là nơi dễ phát sinh các ca bệnh. Vì vậy, các cơ sở y tế nên cảnh giác, phân luồng bệnh nhân cẩn thận".

benh vien phong,  chong dich anh 2

Tại Bệnh viện K, các biển báo được đặt ngay vị trí cửa ra vào, phân luồng hướng đi cho từng đối tượng. Ảnh: BVCC.

Sẵn sàng các trang thiết bị

Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, Bệnh viện Bạch Mai hiện có 1,5 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang vải, 100.000 bộ phương tiện chống dịch và 150.000 lít dung dịch rửa tay.

"Số lượng này được cập nhật và báo cáo hàng ngày để đáp ứng cho công việc khám, chữa bệnh", ông nói.

Vấn đề thông khí trong khu vực cách ly cũng được Bệnh viện Bạch Mai đẩy mạnh với các thiết bị xử lý phù hợp. Theo TS Hùng, tốc độ luân chuyển không khí trong một giờ càng lớn, nồng độ của virus sẽ càng thấp, qua đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tại Bệnh viện K, các biển báo được đặt ngay vị trí cửa ra vào, phân luồng hướng đi cho từng đối tượng. Dung dịch sát khuẩn tay bố trí các nơi thuận tiện cho người bệnh sử dụng.

Ngoài ra, bệnh viện này đã trang bị đầy đủ thiết bị cho 2 phòng khám và 2 phòng cách ly riêng tại 4 container. Người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được hướng dẫn và đưa đến đây. Khu vực dã chiến của Bệnh viện K đã được bố trí sẵn sàng để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Các bệnh nhân ung thư cũng được bố trí suất ăn từ thiện hoặc phục vụ ngay trong buồng bệnh. Việc làm này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.

15 người từng mắc Covid-19 đăng ký hiến huyết tương

Huyết tương của những người khỏi bệnh sẽ hỗ trợ các bác sĩ nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh nhân dương tính.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm