Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh viện ở TP.HCM đang thiếu nhiều loại thuốc hiếm

Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán.

Thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) trung hòa độc tố Botulinum có giá đến 8.000 USD/lọ. Ảnh: Nguyên Hạnh.

Thông tin này được bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ tại Họp báo về các vấn đề kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, chiều 25/5.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về Danh mục thuốc hiếm.

Theo danh mục này, hiện nay, TP.HCM thiếu một số thuốc hiếm. Cụ thể, Bệnh viện Mắt thiếu thuốc nhỏ mắt Atropin; Bệnh viện Da liễu TP.HCM thiếu thuốc uống Acitretin và thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat; Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM thiếu thuốc tiêm Mitoxantrone, thuốc tiêm Idarubicin và thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate.

"Các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán", bà Như nói.

Ngoài ra, TP.HCM cũng không có sẵn các thuốc cấp cứu như trường hợp ngộ độc botulinum vừa xảy ra.

Đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là một vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.

Theo bà Như, hầu hết thuốc này nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. Nguồn cung ứng rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Trước đó, TP.HCM liên tục ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc bolutinum. Trong đó, 3 trẻ nhỏ kịp thời được truyền thuốc giải Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) do Bệnh viện Chợ Rẫy điều chuyển vào ngày 16/5. Đây là số thuốc giải botulinum cuối cùng ở nước ta. Bốn người bị ngộ độc sau đó không còn thuốc giải để truyền kịp thời.

Mới đây, tối 24/5, TP.HCM đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ khẩn cấp 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) gửi từ kho tại Thụy Sĩ. Các lọ thuốc hiếm này được phân bổ cho Bệnh viện Chợ Rẫy (2 lọ), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (1 lọ), Bệnh viện Nhi đồng 2 (3 lọ).

Tuy nhiên, bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong vì bệnh cảnh diễn tiến quá nặng mà không kịp truyền thuốc giải. Hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng quá "thời gian vàng" truyền thuốc.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Bác sĩ ở TP.HCM thay van tim bằng ống thông siêu nhỏ dưới da

Chỉ với khung kim loại siêu nhỏ có gắn một van tim nhân tạo, các bác sĩ khéo léo luồn lách từ mạch máu lớn ở đùi đến vị trí van động mạch phổi để thay mới bộ phận này.

Bích Huệ - Phương Anh

Bạn có thể quan tâm