Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, người dân không nên quan hệ tình dục với nhiều người, chủ động tiêm vaccine ngừa HPV và viêm gan B. Ảnh: Pexels. |
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, từng tiếp nhận nam thanh niên đến khám do cảm thấy sưng đau tức ở hai bên tinh hoàn. Được biết, bạn tình của chàng trai này bị nhiễm Chlamydia trachomatis nhưng cậu chủ quan không đi khám.
Đến khi nhập viện, chàng trai này được chẩn đoán mắc biến chứng viêm tinh hoàn do nhiễm Chlamydia trachomatis. Mặc dù được kê thuốc điều trị và tình trạng viêm trở nên ổn định, biến chứng này có thể làm giảm khả năng sinh sản của chàng trai, thậm chí dẫn đến vô sinh trong một số trường hợp.
Theo bác sĩ Lợi Em, đây không phải là trường hợp duy nhất gặp phải biến chứng sau khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Nguyên nhân là người dân chủ quan và thiếu ý thức về mức độ nguy hiểm của bệnh.
Số bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng cao
Trao đổi với Zing, bác sĩ Lợi Em cho biết cuối tháng 3, mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 257-347 ca đến khám do mắc bệnh qua đường tình dục (trung bình là 304 ca/ngày). Trong đó, trung bình bệnh nhân nam là 161 ca/ngày, số lượng bệnh nhân nữ thấp hơn, khoảng 143 ca/ngày.
Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh sùi mào gà chiếm tỷ lệ mắc cao nhất. Ảnh: Văn Nguyện. |
Những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) thường gặp ở phòng khám nam khoa và phụ khoa của bệnh viện rất đa dạng, bao gồm bệnh sùi mào gà, giang mai, lậu, chlamydia… Trong đó, số ca sùi mào gà chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là giang mai và thấp nhất là HIV.
“Theo quan sát của chúng tôi, số bệnh nhân đến khám do mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng dần so với thời gian trước. Nguyên nhân có thể là người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe tình dục và các kênh truyền thông đại chúng cũng chia sẻ nhiều về STDs”, bác sĩ Em nói.
Thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho thấy so với năm 2020, tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì STDs vào năm 2022 tăng lên 29% ở các phòng khám thường và tăng 24% ở các phòng khám dịch vụ (không tính năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).
Khi thăm khám và trò chuyện với bệnh nhân, bác sĩ Em nhận thấy ý thức của họ về STDs khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể. Một số bệnh nhân có kiến thức đầy đủ về STDs cũng như hiểu rõ về cách phòng ngừa, điều trị. Những bệnh nhân này thường rơi vào nhóm tuổi 20-30, thuộc nhóm tri thức có trình độ học vấn cao. Vì vậy, họ thường chủ động tìm hiểu thông tin về STDs trước khi đến khám.
Trái lại, cũng có bệnh nhân không tìm hiểu về các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc thậm chí nhận thức sai lệch về bệnh và cách điều trị. Điều này khiến họ tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng để tự điều trị. Đến khi bệnh trở nặng hơn, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám.
Không phải bệnh nào cũng có triệu chứng cụ thể
Theo bác sĩ Lợi Em, bệnh lây truyền qua đường tình dục có nhiều triệu chứng khác nhau tùy vào loại bệnh và giai đoạn mắc. Tuy nhiên, một số triệu chứng thường gặp mà mọi người nên lưu ý là:
- Tiểu rắt, tiểu buốt, hoặc tiết dịch ở đầu dương vật.
- Nổi vết loét, nổi sẩn hoặc phát ban ở các vị trí như dương vật, bìu, hậu môn, mông, đùi, miệng…
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tiết dịch hoặc xuất huyết âm đạo bất thường, có thể kèm mùi hôi.
- Đau bụng dưới.
Đôi khi, các biểu hiện bệnh có thể không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Ngoài ra, một số bệnh chỉ cho thấy dấu hiệu sau khi đã nhiễm bệnh một thời gian dài.
Ví dụ, bệnh do nhiễm virus HIV, viêm gan B hoặc viêm gan C thường chỉ phát hiện khi bệnh nhân làm xét nghiệm tầm soát vì chúng ít khi được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng ban đầu. Do đó, người bệnh thường không biết mình mắc bệnh và dễ làm lây lan bệnh ra ngoài cộng đồng.
Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ Em khuyến cáo người dân không nên quan hệ tình dục với nhiều người cũng như chủ động tiêm vaccine ngừa bệnh HPV và bệnh viêm gan B.
Việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn rất quan trọng vì nó giúp làm giảm khả năng nhiễm trùng. Ngoài ra, mỗi người nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tầm soát, phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh kịp thời.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.