Theo SCMP, những phụ nữ không thể mang thai sẽ nhận được tử cung hiến tặng từ thử nghiệm lâm sàng cấy ghép tử cung của bệnh viện ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Đối với cuộc thử nghiệm, Bệnh viện Sản phụ khoa của Đại học Phúc Đán cho biết họ lựa chọn đối tượng là phụ nữ đã kết hôn bị vô sinh do tử cung, độ tuổi từ 18 đến 40.
Những phụ nữ này không có tử cung, có thể do bẩm sinh, đã được phẫu thuật cắt bỏ hoặc tử cung không hoạt động bình thường.
“Chúng tôi hy vọng có thể giúp nhiều phụ nữ bị vô sinh tử cung có con thông qua cấy ghép tử cung”, Hua Keqin, giáo sư tại bệnh viện, nói với trang tin The Paper.
Vô sinh do yếu tố tử cung đang phổ biến
Hơn 70 ca cấy ghép tử cung đã được thực hiện trên khắp thế giới kể từ ca thành công đầu tiên ở Thụy Điển vào năm 2012. Ít nhất 23 em bé được sinh ra nhờ thủ thuật này, theo một bài báo trên tạp chí BJOG năm 2021.
Hiện tại, Trung Quốc có 3 ca cấy ghép tử cung đã được thực hiện. Kết quả là một em bé chào đời năm 2019.
Vô sinh do yếu tố tử cung được cho là ảnh hưởng đến 1/500 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và nó chiếm từ 3 đến 5% nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.
Năm 2021 ở Trung Quốc, hơn 300 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong số đó, 700.000 người bị vô sinh do yếu tố tử cung.
Giáo sư Hua Keqin cho biết nhiều phụ nữ bị vô sinh do yếu tố tử cung muốn có con. Tuy nhiên, việc mang thai hộ là bất hợp pháp ở Trung Quốc nên cấy ghép tử cung là cách duy nhất họ có thể làm.
“Cấy ghép tử cung là công nghệ mới ở Trung Quốc, tiềm năng rất đáng chú ý trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh tiếp tục thấp”, giáo sư Hua Keqin nói.
Trung Quốc đang cố gắng khuyến khích người dân sinh con. Sau gần 6 thập kỷ, đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm, với tỷ lệ sinh trên toàn quốc ở mức thấp kỷ lục, trong khi nước này cũng đang có số dân già đi nhanh chóng.
Công nghệ mới này có nhiều tiềm năng đáng chú ý trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh thấp. Ảnh: HealthShots. |
Rủi ro khi nhận tử cung hiến tặng
Những người hiến tặng phổ biến nhất cho cấy ghép tử cung trên toàn thế giới là mẹ của người nhận, hoặc dì, chị em gái, bạn bè và những người hiến tặng đã qua đời.
Sau khi tử cung hiến tặng được cấy ghép, một phôi thai được tạo ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được cấy vào đó.
Rủi ro vẫn tồn tại cho cả người nhận và người hiến tặng khi cấy ghép tử cung. Đối với người nhận, nội tạng có thể không phù hợp, có nguy cơ nhiễm trùng và cục máu đông. Người hiến tặng cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng, chảy máu nặng và tổn thương các cơ quan xung quanh.
Giáo sư Hua Keqin cho biết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc cục máu đông không thể tham gia thử nghiệm.
Ăn uống khoa học không còn là vấn đề xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thời điểm và loại thức ăn phù hợp để áp dụng. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Ăn gì, khi nào - tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker.
Cuốn sách khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.